Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về vấn đề này.
Phóng viên: Xin bà cho biết các quyền cơ bản của trẻ em?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Quyền trẻ em được hiểu là những quyền con người được áp dụng dành riêng cho trẻ em, ở mỗi độ tuổi khác nhau thì trẻ em được hưởng quyền và gánh vác những nghĩa vụ khác nhau. Quyền trẻ em được phân chia thành 4 nhóm. Cụ thể:
Trao xe đạp tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. |
Quyền được sống còn: Bao gồm quyền của trẻ em được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe. Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi ra đời.
Quyền được phát triển: Gồm những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, bao gồm việc học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Trẻ em cần có sự yêu thương và cảm thông của cha mẹ để có thể phát triển hài hòa.
Quyền được bảo vệ: Bao gồm những quy định như trẻ em phải được bảo vệ chống tất cả các hình thức bóc lột lao động, bóc lột và xâm hại tình dục, lạm dụng ma túy, sao nhãng và bị bỏ rơi, bị bắt cóc và buôn bán. Trẻ em còn được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô cớ vào thư tín và sự riêng tư.
Trẻ em rất cần được đảm bảo những quyền cơ bản. |
Quyền được tham gia: Tạo mọi điều kiện cho trẻ em được tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến về những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình. Trẻ em còn có quyền kết bạn, giao lưu và hội họp hòa bình, được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin và chọn lựa thông tin phù hợp.
Phóng viên: Trong năm 2020, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tập trung vào hỗ trợ các nhóm quyền nào cho trẻ em, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cũng như sự cố gắng của các cấp hội trong cả nước, trong năm 2020, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tập trung vào hỗ trợ nhóm quyền được sống còn và phát triển của trẻ em. Như đã biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như thiên tai, bão lũ tại miền Trung, trẻ em tại nhiều địa phương trong cả nước trở thành một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Các em không chỉ thiếu thốn về mặt vật chất mà còn chịu nhiều ảnh hưởng về mặt tinh thần do những thay đổi trong xã hội. Nhận thức rõ những khó khăn này của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tích cực vận động nguồn lực xã hội, triển khai một loạt các chương trình hỗ trợ cho trẻ em tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Cung cấp nhu yếu phẩm, tiền mặt để mua đồng phục, sách vở cho trẻ em trong các gia đình gặp khó khăn do bố mẹ bị mất việc làm khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Một trong những hoạt động trọng tâm của hội là Chương trình Tết ấm cho em. Đây là một chương trình thường niên, được tổ chức hằng năm nhằm giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền đất nước. Năm 2020, Hội đã vận động được 5.000 suất quà (mỗi phần quà bao gồm tiền mặt trị giá 1 triệu đồng và nhu yếu phẩm) trao tặng trực tiếp đến trẻ em tại các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La...
Trẻ em được phát biểu ý kiến tại Diễn đàn về trẻ em. Ảnh: Xuân Mai. |
Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về việc phòng, chống xâm hại trẻ em hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Có thể khẳng định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em. Điều này được thể hiện qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng đồng bộ, thống nhất. Năm 2020, việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong cả nước đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em còn một số hạn chế, bất cập như chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần cụ thể hơn... Thực tế chứng minh, trẻ em thường bị xâm hại trong chính những môi trường quen thuộc như: Gia đình, trường học, vì vậy, để đảm bảo quyền được bảo vệ của trẻ em (bao gồm chống tất cả các hình thức bóc lột lao động, bóc lột và xâm hại tình dục, lạm dụng ma túy, sao nhãng và bị bỏ rơi, bị bắt cóc và buôn bán...), các cấp, các ngành tại địa phương cần quan tâm hơn đến trẻ em, kịp thời phát hiện những vụ việc xâm hại trẻ em để xử lý nghiêm minh, tạo tính răn đe trong xã hội. Trong năm 2020, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em như gửi đơn tố giác, yêu cầu khởi tố những trường hợp xâm hại trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Thanh Hóa. |
Phóng viên: Để trẻ em đảm bảo được 4 nhóm quyền chính, giúp các em đón một cái Tết đủ đầy, ý nghĩa, theo bà cần phải làm những gì?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Có thể nói, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em là công tác của mọi cấp, ngành, toàn bộ hệ thống chính trị. Chúng ta đã có một hệ thống văn bản pháp lý tương đối đầy đủ về việc đảm bảo các quyền, lợi ích của trẻ em. Việc cần làm là làm sao đưa những văn bản pháp lý ấy thực thi vào đời sống xã hội. Là đối tượng dễ bị tổn thương, trẻ em rất cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời, đúng lúc. Tại nhiều địa phương, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn còn rất nhiều, đòi hỏi vận động nguồn lực xã hội để đảm bảo cho các em được hưởng những lợi ích cơ bản nhất. Chăm sóc trẻ em không dừng ở việc đảm bảo vật chất cho trẻ em mà còn phải đảm bảo cả tinh thần cho trẻ. Có như thế, trẻ em mới thực sự phát triển, trở thành những mầm non tương lai của đất nước. Dịp Tết đến Xuân về, trẻ em ở nhiều vùng miền trên cả nước còn gặp khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành, tổ chức xã hội. Ưu tiên trước mắt là hỗ trợ những vật phẩm cần thiết để các em có thể cùng gia đình đón một cái Tết đủ đầy, sau đó là hỗ trợ sách, vở, quần áo để các em sau khi vui Xuân đón Tết có thể trở lại trường học cùng bạn bè.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!
BĂNG CHÂU (thực hiện)