Với các quy định mới, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bền vững để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ dư luận cũng như các đạo biểu Quốc hội.
Một số nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến là việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là những người tiêu dùng dễ bị tổn thương, khái niệm "người tiêu dùng", tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức xã hội, việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cá nhân, tổ chức kinh doanh, việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng….Đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đề nghị, Luật này là để cụ thể hóa về một nhóm đối tượng nên cần quy định rõ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, trước hết phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh đảm bảo không bị xâm hại, không chỉ từ tổ chức, cá nhân khác mà từ cả người tiêu dùng khác.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, cần quy định rõ ràng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá. Theo đại biểu, để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa dối, dự thảo luật đã có quy định rõ ràng các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, các biện pháp bồi thường, xử lý cho người tiêu dùng khi có sự cố, sản phẩm, hàng hóa khuyết tật.
“Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện xử lý các hành vi lừa dối người tiêu dùng còn bất cập, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể tiêu chí đánh giá xem hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có lừa dối người tiêu dùng hay không, dựa trên khả năng nhận thức, nhận dạng của người tiêu dùng thông thường.
Do vậy, cần quy định rõ phương pháp xác định dựa trên thời gian, phương thức cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, mức độ sai lệch, thiếu sót của thông tin so với thực tế, mức độ ảnh hưởng của thông tin sai lệch hoặc thiếu sót dẫn đến quyết định của người tiêu dùng”, Đại biểu Phước nhấn mạnh.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị, trong hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nội dung tại điểm h khoản 1 Điều 50 cần được luận giải tường minh, nhằm tránh cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế. Đó là người tiêu dùng có quyền tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, trong khi lợi ích công cộng chưa được làm rõ và chưa được quy định trong luật nào.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, tại khoản 1 Điều 50 của dự thảo luật có quy định các hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó tại điểm i quy định: Tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và kiến thức tiêu dùng cho người tiêu dùng. Về nội dung này, đại biểu đề nghị thay đổi hoạt động từ đào tạo thành tập huấn hoặc bồi dưỡng để phù hợp hơn với đối tượng là người tiêu dùng.
“Khoản 2 Điều 50 dự thảo luật quy định các điều kiện để tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quyền tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng. Trong đó tại điểm c quy định điều kiện có thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm, tính từ ngày tổ chức xã hội được thành lập đến ngày tổ chức xã hội thực hiện quyền tự khởi kiện. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị, bỏ nội dung quy định về điều kiện này bởi tổ chức xã hội được thành lập hợp pháp như điều kiện quy định tại điểm e của khoản 2 điều này, tổ chức đó có đủ điều kiện hoạt động kể từ ngày thành lập, trong đó kể cả có hoạt động khởi kiện; không nên quy định sau thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nói.
Trong khi đó, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ-Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cần rà soát kỹ khái niệm tổ chức xã hội và tổ chức xã hội có tôn chỉ mục đích.
Cụ thể, tại Điều 53 về tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định như vậy rất khó hiểu làm cho quá trình tổ chức thực hiện phải phân định đâu là tổ chức xã hội, đâu là tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích. Đồng thời, khi quy định như vậy, ban soạn thảo không giải thích từ ngữ rõ thế nào là tổ chức xã hội và tổ chức xã hội có tôn chỉ mục đích.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ về khái niệm tổ chức xã hội và tổ chức xã hội có tôn chỉ mục đích. Vì hiện nay ở Việt Nam, tổ chức xã hội có thể hiểu bao gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức tự quản (còn gọi là hội). Theo quy định tại Nghị định 45 của Chính phủ, các tổ chức hội khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đều phải có điều lệ, trong đó thể hiện rõ tôn chỉ, mục đích của hội. Như vậy, quy định tổ chức xã hội, tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích ở đây sẽ gây nhầm lẫn.
“Tại Chương IV của dự thảo luật cũng cần bổ sung thêm một điều về vai trò, trách nhiệm và quyền của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, rất cần bổ sung vào dự thảo luật về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Hội Bảo vệ người tiêu dùng”, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị.
Một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ là hỗ trợ chuyển yêu cầu của người tiêu dùng đến tổ chức, cá nhân kinh doanh được yêu cầu thương lượng, trong khi đó người tiêu dùng luôn là đối tượng yếu thế, hiểu biết về pháp luật hạn chế hơn so với tổ chức kinh doanh nên quá trình thương lượng dễ bị bất lợi.
Vì vậy, trong quá trình thương lượng, cần thiết phải có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đóng vai trò là bên trung gian giải thích luật, chứng kiến để quá trình thương lượng được khách quan, minh bạch hơn.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi gồm 7 chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 với một số điểm mới, cụ thể: về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nguyễn Hoàng/VOV.VN
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/dai-bieu-quoc-hoi-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-can-duoc-bao-ve-tot-hon-post1059847.vov