Sáng 8/1/2020, tại Hà Nội, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an tổ chức công bố bộ công cụ dành cho lực lượng cảnh sát, cán bộ ngành kiểm sát về giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

Công bố cẩm nang xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em - ảnh 1

Bộ cẩm nang hướng dẫn giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em dành cho cảnh sát và cán bộ ngành kiểm sát. Ảnh: ĐỨC MINH

Bốn cuốn tài liệu gồm: Lực lượng cảnh sát với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; Sổ tay cảnh sát giải quyết vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em; Sổ tay kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em và Sổ tay kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em (rút gọn).

Đây là những công cụ nhằm giúp lực lượng cảnh sát và cán bộ ngành kiểm sát phòng ngừa, phát hiện, điều tra, truy tố và kiểm sát hiệu quả các vụ xâm hại tình dục trẻ em, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các em.

Giới thiệu Sổ tay cảnh sát về Nhận thức và ứng phó với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Trung tá Khổng Ngọc Oanh, Phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, cuốn sổ tay nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, các Thông tư, văn bản pháp luật khác. Đồng thời, cụ thể hóa các đề án, dự án, quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ, về công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Từ đó cuốn sổ tay này sẽ giúp cán bộ công an biết vận dụng, có kỹ năng vận dụng khi giải quyết các vụ án. “Hệ thống pháp luật liên quan tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện đã được bổ sung, sửa đổi tương đối hoàn thiện, song con người thực thi, kỹ năng thực thi pháp luật mới là điều then chốt” - ông Oanh nhấn mạnh và mong muốn sổ tay sẽ là công cụ, là cẩm nang cho mỗi cán bộ công an nghiên cứu, tham khảo.

Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, 2 cuốn sách này được xây dựng trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa, tố giác, tin báo điều tra, truy tố các vụ việc, vụ án xâm hại tình dục trẻ em và kinh nghiệm, mô hình tốt của các cơ quan tư pháp các nước trong khu vực và thế giới. Theo đó phần 1 của cuốn Sổ tay đưa ra khái niệm thế nào là hành vi xâm hại tình dục trẻ em giúp lực lượng cảnh sát nhận diện một hành vi được coi là “xâm hại tình dục trẻ em”. Đó là hành vi cụ thể: Hiếp dâm; cưỡng dâm; giao cấu, quan hệ tình dục khác…; dâm ô, sử dụng người dưới 16 tuổi … Tránh việc khởi tố không đúng tội danh hoặc không tương xứng với tội danh, hoặc bỏ lọt tội phạm. Phần 2 là công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, giúp cán bộ công an hiểu, nắm được các nhu cầu của nạn nhân cũng như người thân của họ, nhằm tiến hành các biện pháp phòng ngừa xã hội, tập trung vào biện pháp tuyên truyền…

Phát biểu tại buổi công bố, ông Takeshi Matsumoto, Điều phối viên chương trình Tư pháp Hình sự của UNODC Khu vực Đông Nam Á -Thái Bình Dương cho rằng, xâm hại tình dục trẻ em là một vấn đề phức tạp. Chính vì vậy với việc soạn thảo Bộ công cụ này sẽ góp phần điều tra và truy tố tội phạm tình dục trẻ em thành công hơn.

Thế Anh