“Chết chóc từ sự bất công” - Đó là tiêu đề của bản Báo cáo năm 2022 của OXFAM (Inequality kills) về tình trạng chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng, bất công xã hội trên thế giới. Sự giàu có của người này, nhóm xã hội, giai cấp hoặc quốc gia nào đó nhất thiết phải đánh đổi bằng sự gia tăng bần cùng, thống khổ của người khác, nhóm xã hội, giai cấp hoặc quốc gia khác. Cái lôgíc này của tư bản càng thể hiện phũ phàng hơn trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (1).

Chưa bao giờ thế giới có tiềm lực khoa học - công nghệ tối tân và năng lực sản xuất ra nhiều của cải vật chất như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ xã hội loài người lại bất bình đẳng và bất công như hiện nay. Cả thế giới có 828 triệu người, tức 10% dân số toàn cầu bị đói. Đáng buồn nhất là gần 50 triệu trẻ sơ sinh mắc bệnh còi xương, đầy nguy cơ tử vong. Theo thống kê năm 2022, có 207 triệu người thất nghiệp, tăng 21 triệu người so với năm 2019. Ngay trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vẫn còn 773 triệu người không biết đọc, biết viết.

Tính từ cuối năm 2019 đến tháng 10/2022, có gần 20 triệu người chết vì COVID-19, trong đó hơn một nửa ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp. Dịch bệnh đã làm nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo đạt mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua. Hơn 250 triệu người được bổ sung vào danh sách đói nghèo cùng cực trong năm 2022 vì dịch bệnh. Riêng trong năm 2022, cứ 33 giờ lại có thêm 1 triệu người bị đẩy vào tình trạng nghèo đói cùng cực. Xấp xỉ 99% dân số trên trái đất suy giảm thu nhập trong thời gian đại dịch.

Đại dịch Covid-19 gieo rắc bất bình đẳng trên phạm vi toàn cầu. Ảnh: Internet.

Trong thời gian dịch bệnh, hầu hết các chính phủ đều cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp, tư nhân hóa nhiều dịch vụ, tạo ra sự suy giảm nghiêm trọng các nguồn lực cứu trợ, an sinh xã hội nhưng lại tạo ra quyền lực siêu tập trung cho các tập đoàn doanh nghiệp lớn. Các ngân hàng trung tâm đều ra sức bơm tiền vào lưu thông nhằm tránh cuộc đổ vỡ kinh tế, nhưng vô hình chung lại làm béo bở nhiều triệu phú, tỷ phú, trong khi người dân thì phải gánh chịu lạm phát ngày càng dâng cao.

Tính đến cuối năm 2022, cả thế giới có 2.668 tỷ phú, tăng 573 so với năm 2020; họ nắm giữ khối tài sản 12.700 tỷ USD, tăng 3.780 tỷ trong thời gian COVID-19; chiếm 13,9% GDP toàn thế giới, so với mức 4,4% năm 2020. Chỉ 10 tỷ phú chiếm giữ tổng tài sản bằng 40% số người nghèo nhất trên thế giới (2,8 tỷ người). Chỉ 20 tỷ phú hàng đầu thế giới có tài sản lớn hơn GDP của cả châu Phi cộng lại.

Tổng tài sản của các tỷ phú trong 24 tháng qua (2020-2022) gia tăng ngang bằng tổng mức gia tăng trong 23 năm trước (1997-2020). Cứ 30 giờ lại xuất hiện thêm 1 tỷ phú trên các lĩnh vực khác nhau, nhất là năng lượng, lương thực, dược phẩm… Tài sản của các tỷ phú năng lượng và lương thực cứ 2 ngày tăng thêm 1 tỷ USD; đã xuất hiện thêm 62 tỷ phú lương thực trên toàn thế giới. Cargill là tập đoàn độc quyền nắm giữ 70% nguyên liệu lương thực của thế giới, mỗi ngày thu nhập 20 triệu USD trong thời kỳ dịch bệnh, riêng năm 2021 đạt lợi nhuận trên 5 tỷ USD.

Trong năm 2022, giá dầu tăng cao nhất tính từ 1973; lợi nhuận của các tập đoàn dầu lửa tăng gấp đôi trong thời kỳ dịch bệnh. Năm tập đoàn lớn nhất: BP, Shell, TotalEnergies, Exxon và Chevron đạt tổng lợi nhuận 82 tỷ USD, tức 2.600 USD mỗi giây. Dịch bệnh làm xuất hiện thêm 40 tỷ phú dược phẩm (kháng sinh, thuốc điều trị, dụng cụ xét nghiệm và trang thiết bị bảo hộ). Các tập đoàn dược phẩm hàng đầu đạt lợi nhuận 1.000 USD mỗi giây bằng cách bán đắt thuốc kháng sinh cho chính phủ các nước, có khi gấp 24 lần giá sản xuất. 70% giá thành mỗi mũi tiêm vắc-xin Moderna chảy về túi ôm trùm tập đoàn này. Moderna đã biến hàng núi ngân sách công của các nước thành tài sản tư của riêng mình;riêng Chính phủ Mỹ đã chi 12 tỷ USD mua sản phẩm của Moderna. Tiếc thay, chỉ 1% sản phẩm của Moderna đến được các nước nghèo, nơi tỷ lệ phủ vắc-xin chỉ đạt 13% dân số là các đối tượng cần được tiêm. Năm tập đoàn công nghệ: Apple, Microsoft, Tesla, Amazon và Alphabet lãi ròng 271 tỷ USD trong năm 2021, gấp đôi so với năm 2019. Elon Musk, tỷ phú lớn nhất thế giới hiện nay, giả sử bị mất đi 99% tài sản, vẫn có mặt trong danh sách 0,0001% số người trên hành tinh là những người giàu nhất; tài sản của Musk tăng 699% tính từ cuối năm 2019 đến nay.

Tháng 4/2022, trong hội nghị mùa xuân với IMF và WB, tổ chức OXFAM kiến nghị chính phủ các nước cần kịp thời có các giải pháp chính sách kiềm chế lạm phát, tăng cường bảo trợ xã hội và an sinh xã hội, quản lý giá cả, xóa nợ cho các nước nghèo, cải thiện chính sách tài khóa… Giả sử chúng ta áp đặt được biểu mức thuế 99% đối với tài sản tăng thêm của 10 tỷ phú giầu nhất thế giới, sẽ đủ kinh phí để: tiêm chủng toàn thế giới; phục hồi nền giáo dục, y tế, cứu trợ xã hội trên thế giới; khắc phục được nạn bạo hành giới ở 80 quốc gia trên thế giới. Kiến nghị này của OXFAM, tuy rất đúng, nhưng vẫn là một điều không tưởng một khi tư bản vẫn thống trị toàn cầu! Năm 2022 đang khép lại với nghịch lý đáng sợ như vậy !

---------------------------------------------------

(1) https://oxfamilibrary.openrepository.com/bitstream/handle/10546/621341/bp-inequality-kills-170122-en.pdf.

Minh Trí

Nguồn: http://thinhvuongvietnam.com/Content/chet-choc-tu-su-bat-cong-485322