Công an TP Hồ Chí Minh vừa khởi tố hình sự vụ án xâm phạm quyền tác giả liên quan đến trang web phimmoi.net. Vụ việc gây rúng động bởi phimmoi.net không chỉ là trang web ngang nhiên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng nghìn bộ phim mà còn vì tầm ảnh hưởng là trang web đứng thứ 17 về lưu lượng truy cập tại Việt Nam.
Với 60-80 triệu lượt truy cập hàng tháng, những kẻ tổ chức và vận hành trang web này đã thu lợi bất chính từ quảng cáo (chủ yếu là trang web cờ bạc trực tuyến, khiêu dâm) lên đến hàng trăm tỷ đồng suốt chục năm trời tồn tại.
Tính riêng trong lĩnh vực điện ảnh, cơ quan chức năng đã thống kê được khoảng 200 trang web vi phạm bản quyền. Nếu mở rộng ra các sản phẩm văn hóa khác như: Truyền hình, xuất bản, âm nhạc, thời trang... tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta diễn ra quá phổ biến. Tình trạng vi phạm bản quyền không những gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, mà còn khiến ngành công nghiệp văn hóa chưa thể phát triển đúng như kỳ vọng dù có tiềm năng to lớn. Thiệt hại kinh tế có thể thấy rõ và thống kê được, nhưng có những hệ lụy tai hại không thể đo đếm. Những nhà sản xuất biết trước sản phẩm làm ra sẽ bị ăn cắp, thế nên cũng hiếm người đầu tư sáng tạo nghiêm túc. Cứ làm phim giải trí “mì ăn liền”, sách dịch ngôn tình vốn đầu tư thấp, nếu bị xâm phạm bản quyền cũng không ảnh hưởng nhiều. Vì vậy, chất lượng nghệ thuật, chiều sâu nội dung sản phẩm văn hóa Việt Nam chưa thể vượt ra ngoài biên giới.
Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo. |
Nước ta đang khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta hoàn toàn tự tin về năng lực sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, trí thức nhằm lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam ra thế giới. Song quá trình này muốn tiến nhanh, thu được hiệu quả, tiên quyết phải ngăn chặn, đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền. Việc khởi tố vụ án trang web phimmoi.net có thể xem là dấu mốc để các cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Có như vậy mới giữ gìn kỷ cương phép nước, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch; thúc đẩy năng lực sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, trí thức.
Bên cạnh đó cũng cần tuyên truyền, nâng cao ý thức của công chúng, nhất là thế hệ trẻ về việc tôn trọng quyền tác giả của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Hiện nay, chưa có điều luật nào xử lý người sử dụng nội dung vi phạm bản quyền. Cần hiểu rằng, hành vi sử dụng nội dung vi phạm bản quyền là tiếp tay cho tội phạm. Muốn sử dụng sản phẩm, dịch vụ văn hóa sẽ phải trả phí như bao lĩnh vực khác; nếu không chính là một hành vi trộm cắp. Trong khi chờ đợi hoàn thiện quy định pháp luật, đây là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức mà chúng ta cần kiên trì tuyên truyền giáo dục mới mong đạt được hiệu quả.
Từ bỏ thói quen ăn sâu trong suy nghĩ, vô tư tiếp tay cho nạn vi phạm bản quyền quả là không dễ. Nhưng người Việt Nam vốn có truyền thống trọng nhân tài, trọng trí tuệ, luôn ủng hộ các sản phẩm văn hóa “made in Việt Nam” sẽ cùng chung tay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp, chính đáng; góp phần xây dựng xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật và tràn ngập cảm hứng sáng tạo.
MỘC LAN
Nguồn: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chan-nan-vi-pham-ban-quyen-669415