Sáng 13-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo “Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch Covid-19”. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, của mọi công dân và mỗi gia đình.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo ra những điều kiện để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch Covid-19
 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài đã tác động tiêu cực đến kinh tế và đời sống xã hội, nguy hại đến sinh mạng, sức khoẻ của nhân dân. Trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ. Có nhiều trẻ sơ sinh phải can thiệp sinh sớm trong điều kiện mẹ mang thai bị mắc Covid-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em trong tương lai. Nhiều trẻ em đã mắc Covid-19 hoặc bị ảnh hưởng gián tiếp, phải cách ly tập trung.

Đặc biệt, nhiều trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi, không nơi lương tựa, bị ảnh hưởng lâu dài do gia đình có nguy cơ đói nghèo, làm tăng số lao động trẻ em. Trẻ em đã phải tạm dừng đến trường học do giãn cách xã hội kéo dài, học tập trực tuyến đã tác động lớn đến chất lượng học tập, tăng nguy cơ tỷ lệ bỏ học khi hết dịch Covid-19, nhất là các em nhỏ, gia đình nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, tham gia hoạt động xã hội, tương tác cộng đồng, nhưng lại làm tăng thời gian sử dụng internet và mạng xã hội, dễ bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại thông qua môi trường mạng xã hội.

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch Covid-19
Quang cảnh buổi hội thảo. 

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, chiều sâu, tập trung làm rõ những khó khăn, hạn chế và thách thức của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đặc biệt là xác định các nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn để tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”.

Tin, ảnh: LÊ HỒNG NHUNG

Nguồn: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/cham-soc-giao-duc-va-bao-ve-tre-em-truoc-tac-dong-cua-dai-dich-covid-19-694310