Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ không chỉ ở các lĩnh vực kinh tế-xã hội mà đã trở thành những điểm nhấn đột phá trong phong trào thi đua về công tác cải cách hành chính của ban, ngành, địa phương các cấp ở TP Hồ Chí Minh. Trên nền tảng công nghệ, người dân, doanh nghiệp có sự tương tác, giám sát, đóng góp những ý kiến để chính quyền TP Hồ Chí Minh sớm đẩy nhanh những mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Ở các quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh, người dân đã quen thuộc với các kênh tương tác, kết nối với cơ quan, chính quyền các cấp qua các ứng dụng công nghệ số. UBND các quận, huyện đã được bố trí nhiều hệ thống máy tính hoặc ứng dụng trên điện thoại để tra cứu những thông tin về quy hoạch, kinh tế, dự án đầu tư, thông tin phản ánh, đóng góp ý kiến... Như ở quận Phú Nhuận, địa phương đã xây dựng ứng dụng “Phú Nhuận trực tuyến”, thu hút nhiều người dân phản ánh thông tin đến cơ quan quản lý, chuyên môn và được triển khai xử lý, giải quyết kịp thời.

Bên cạnh các ứng dụng trực tuyến thì các mạng xã hội như Zalo và Fanpage Facebook được UBND cấp quận và phường tạo lập, phổ biến rộng rãi để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý tham gia đã phát huy hiệu quả rất cao. Cụ thể như ở UBND quận 12 đã xây dựng trang Fanpage UBND quận 12 trên mạng xã hội Facebook thu hút được hơn 30.000 lượt theo dõi và 550.000 lượt tiếp cận thông tin đăng tải trên trang này. Hiện nay, các phản ảnh của người dân thông qua trang Fanpage UBND quận 12 đã được lãnh đạo, cơ quan quản lý xử lý đạt tỷ lệ khoảng 95%.

Cầu nối tương tác giữa chính quyền và nhân dân
Cán bộ Trung tâm Giám sát an ninh và Phòng cháy, chữa cháy (Công an TP Hồ Chí Minh) sử dụng công nghệ giám sát tình hình trên địa bàn. 

Công an TP Hồ Chí Minh trong mấy năm gần đây được đánh giá là đơn vị đi đầu trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả tương tác với người dân, xử lý các vấn đề quản lý hành chính. Trong lĩnh vực xuất nhập cảnh có mô hình “Tờ khai điện tử”, hệ thống “Xếp hàng lấy số thứ tự thông minh”, “Thông báo kết quả giải quyết hồ sơ”, phần mềm “Cấp biển số tự động”... Dự án “Xây dựng mạng truyền dẫn cáp quang Công an TP Hồ Chí Minh” kết nối, truyền dữ liệu liên thông từ cơ sở, như: Hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, đường truyền cấp phát thẻ căn cước công dân, quản lý tạm trú người nước ngoài... đã phát huy hiệu quả rất cao, rút ngắn thời gian xử lý, tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị.

Tại huyện Nhà Bè, bên cạnh ứng dụng “Nhà Bè trực tuyến”, địa phương này còn đi đầu trong triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân tại các cơ quan hành chính, hành chính sự nghiệp và ứng dụng ảnh viễn thám để quản lý xây dựng, tài nguyên... Thông qua hệ thống AI, người dân có thể đánh giá chất lượng, thái độ của cán bộ công chức.

Thi đua trong cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin ở TP Hồ Chí Minh đã tạo sự đột phá trong hoàn thiện cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa quy trình thủ tục, minh bạch công khai thông tin thủ tục hành chính. TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả được áp dụng như mô hình liên thông thuế điện tử, dịch vụ đăng ký hẹn ngày làm chứng minh nhân dân, căn cước công dân qua tổng đài 1800, liên thông điện tử thủ tục cấp phép xây dựng... Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã cung cấp 802 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia với 26 dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý, giải quyết của 20 đơn vị. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình “Xây dựng đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính giai đoạn 2020-2025” với nhiều định hướng, nội dung đột phá, sáng tạo.

Đồng chí Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 cho biết: UBND quận 12 không xây dựng ứng dụng trực tuyến giống như nhiều quận, huyện khác mà tận dụng các nền tảng mạng xã hội có sẵn. Mạng xã hội có lượng người dùng đông đảo và được liên kết với nhau dựa trên thói quen tương tác, phát huy hiệu quả tương tác rất cao, nhanh chóng và kịp thời hơn so với các kênh truyền thống như gửi ý kiến, văn bản đến phường, quận. Kinh nghiệm trong phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính là khi tiếp nhận các vấn đề được người dân nêu lên, kiến nghị, phản ảnh đúng thông qua các kênh trên mạng xã hội thì lãnh đạo phụ trách, cơ quan chuyên môn xem xét xử lý, giải quyết kịp thời. Điều này sẽ giúp ngày càng tạo thêm niềm tin của nhân dân đối với chính quyền, tin cậy, theo dõi và ủng hộ kênh tương tác trên mạng xã hội, hưởng ứng tích cực vào các hoạt động, phong trào do quận, thành phố phát động.

Đồng chí Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách hành chính TP Hồ Chí Minh cho rằng: Với sự chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong cải cách hành chính, lấy ứng dụng công nghệ thông tin là trọng tâm đột phá đã giúp TP Hồ Chí Minh phát huy được hiệu quả về quản lý hành chính, tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và phát huy quyền làm chủ, giám sát, góp ý của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm cụ thể trong triển khai, chỉ đạo xây dựng, duy trì các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, kịp thời giải quyết những kiến nghị của cá nhân, tổ chức, chỉ đạo khắc phục các yếu kém, xử lý vấn đề xảy ra trên địa bàn... Từ những kết quả đạt được, đánh giá mô hình thí điểm, thành phố đang nỗ lực hoàn thiện các mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thành công mô hình đặc biệt này, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong tình hình mới.

THANH HOA

Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cau-noi-tuong-tac-giua-chinh-quyen-va-nhan-dan-654128