Tại Hội thảo Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình do Đoàn giám sát của Quốc hội về“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xâm hại trẻ em” tổ chức vừa qua, các đại biểu cho rằng, mặc dù pháp luật hiện hành về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em đã khá đầy đủ, rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan song số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình vẫn chiếm tỷ lệ lớn...

http://quochoi.vn/content/tintuc/NewPublishingImages/Yen/dsc_1146%20copy.jpg

Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xâm hại trẻ em” tổ chức hội thảo "Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình"

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cho biết, qua phân tích số liệu của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) cho thấy: trẻ em bị bạo lực trong gia đình chiếm 65,88% số trường hợp trẻ em bị bạo lực. Trẻ em bị xâm hại tình dục thủ phạm là người thân trong gia đình chiếm 21,3% số trường hợp xâm hại tình dục trẻ em.

Số vụ việc xâm hại trẻ em được thông tin, tố cáo và được các cơ quan, dịch vụ bảo vệ trẻ em tiếp nhận, xác minh, xử lý tăng nhanh. Số vụ việc được cơ quan công an tiếp nhận, xử lý trong 6 tháng đầu năm 2019 (1.400 trẻ em bị xâm hại) tăng gần gấp đôi so với năm 2018 (1.579 trẻ em bị xâm hại). Số cuộc gọi thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em được Tổng đài 111 tiếp nhận giai đoạn 2011- 2014 trung bình 250 cuộc/năm, giai đoạn 2015 - 2018 trung bình 420 cuộc/năm, 6 tháng đầu năm 2019 đã có 353 cuộc.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cho hay Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội là cơ quan: chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em; điều phối việc thực hiện quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em được Chính phủ giao hoặc ủy quyền; chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em. Bộ cũng là một trong ba đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trách nhiệm của Bộ vẫn tồn tại một số khó khăn vướng mắc. Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác bảo vệ trẻ em chưa được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng ở một số địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức. Vẫn xảy ra các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực học đường chậm được phát hiện, báo cáo, giải quyết. Vẫn còn hiện tượng chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em mà bao che, tự tìm cách xử lý vụ việc.

http://quochoi.vn/content/tintuc/NewPublishingImages/Yen/dsc_1160%20copy.jpg

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam trình bày tham luận về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình

Cùng với đó, hệ thống nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em, bảo vệ trẻ em các cấp thiếu về số lượng, còn kiêm nhiệm quá nhiều việc và thường xuyên có sự thay đổi. Việc kiện toàn đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cộng đồng dân cư đang là một thách thức lớn do nhiều địa phương không có chính sách và bố trí kinh phí hỗ trợ.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam PGS.TS Trần Thị Minh Thi thì cho rằng còn có bất cập trong cấu trúc quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em. Cụ thể, dân số do Bộ Y tế quản lý; bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em thì do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý; gia đình lại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Như vậy những đối tượng như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong cùng một gia đình thì lại do các Bộ khác nhau quản lý. Điều này làm khó cho việc tập trung trách nhiệm, nguồn lực thực hiện. Do đó, cần có sự phân công cụ thể về trách nhiệm phối hợp liên ngành trong bảo về trẻ em và lâu dài cần xem xét thống nhất đầu mối quản lý nhà nước hoặc có một cơ quan quản lý chung.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cũng chia sẻ, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều xây dựng các chương trình phối hợp để triển khai thực hiện, xử lý các vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ có sự giao thoa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các Bộ, ngành, tổ chức như Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc hiện nay vẫn là do cơ cấu, tổ chức, chưa có sự phân công hợp lý nhiệm vụ của các Bộ, ngành. Hơn nữa, bộ máy đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước về gia đình hiện rất khó khăn trong bối cảnh tinh giản đầu mối, cán bộ thì kiêm nhiệm nhiều công tác, nhiệm vụ.

http://quochoi.vn/content/tintuc/NewPublishingImages/Yen/dsc_1195%20copy.jpg

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao đổi tại hội thảo

Trao đổi tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát cho rằng, chất lượng Luật Trẻ em của nước ta có thể nói là tốt so với pháp luật trẻ em của các nước khác. Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của 17 cơ quan, tổ chức liên quan đều đã rõ. Tuy nhiên, khi Đoàn giám sát đi làm việc tại các địa phương thì thấy rằng, mặc dù Luật Trẻ em được ban hành từ năm 2016 nhưng đến năm 2019 có một số nơi vẫn chưa ban hành kế hoạch thi hành Luật. Cá biệt, có một Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khi được hỏi thì dường như còn không biết đây là mảng việc của sở mình. Như vậy, việc nắm rõ chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đây là có vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thẳng thắn chỉ rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đặt vấn đề, một trong những trách nhiệm quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, tập trung chính vào Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là công tác thanh tra, kiểm tra. Vậy, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ đã đề nghị kỷ luật được cá nhân, tập thể nào chưa? Qua hoạt động giám sát, làm việc với các địa phương, Đoàn giám sát thấy rằng, hầu như chưa địa phương nào có công tác thanh tra riêng về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

http://quochoi.vn/content/tintuc/NewPublishingImages/Yen/dsc_1200%20copy.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát phát biểu tại hội thảo

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam làm rõ, trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em được quy định cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân tại Chương VI Luật Trẻ em và Chương IV về Bảo vệ trẻ em. Với những quy định về bảo vệ trẻ em và bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của Luật Trẻ em và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết luật này có thể quy trách nhiệm đến cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân khi có vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra.

Cùng với đó là nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ phải yêu cầu xử lý trách nhiệm, trong đó là người đứng đầu chính quyền các cấp nhất là cấp xã, cơ sở giáo dục, cơ quan tổ chức cung cấp dịch vụ nếu vô trách nhiệm, không chỉ đạo, không áp dụng luật. Tuy nhiên vô trách nhiệm trong vụ việc cụ thể còn dễ dàng xử lý nhưng vô trách nhiệm trong triển khai luật, không bố trí cán bộ làm công tác xã hội thì rất khó xử lý. Luật Trẻ em mặc dù nêu nhiều hành vi phải làm nhưng lại thiếu các chế tài. Do đó về lâu dài phải điều chỉnh cụ thể và tăng chế tài xử lý./.

Bảo Yến

Nguồn: http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=43718