PGS- TS Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh điều này trước 280 đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người.
Đai diện các sở, ngành của 26 địa phương trong cả nước đã tham dự Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người diễn ra sáng 7/12 tại TP. Hòa Bình. Sự kiện này do Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Thường trực về nhân quyền của Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người và qua đó, từng bước xác lập vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền ở bình diện toàn cầu. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc Việt Nam đã được bầu với số phiếu cao và đang có nhiều đóng góp với tư cách Thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Trong bối cảnh, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, theo PGS-TS Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cần làm cho thế giới hiểu chúng ta; hiểu về quan điểm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người. Bên cạnh đó, cũng cần làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ sự đúng đắn về các quan điểm đường lối và các biện pháp cụ thể mà chúng ta đang tiến hành.
"Thông tin tốt cũng nhiều, thông tin xấu cũng nhiều, vì vậy cần chủ động trong công tác thông tin; đồng bộ thông tin từ trên xuống dưới, tạo ra mặt trận thông tin thống nhất; phải kịp thời, đi trước một bước; sáng tạo với nhiều hình thức thông tin mới, tận dụng không gian mạng, mạng xã hội. Tổng hợp các biện pháp trên, làm sao phải đạt được hiệu quả thiết thực", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Nhấn mạnh vai trò truyền thông về quyền con người hiện nay, ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó chánh Văn phòng Thường trực về Nhân quyền của Chính phủ cho rằng, cần phản ánh toàn diện thành tựu của Việt Nam bởi đây là những vấn đề hay bị lợi dụng để xuyên tạc, chẳng hạn như quyền tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền của người dân tộc thiểu số, vấn đề dân chủ nhân quyền...
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, các kiến nghị, đề xuất nói chung về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác nhân quyền, công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại về vấn đề quyền con người.
Đây là Hội nghị tập huấn thứ 3 trong năm 2023 nhằm quán triệt Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới và triển khai trực tiếp Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam. Trước đó, Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị tại Quảng Nam cho 19 tỉnh miền Trung, và tại Kon Tum cho 19 tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ.
Đây cũng là hoạt động thiết thực của Việt Nam nhằm kỷ niệm 75 năm ngày nhân quyền thế giới 10/12/1948 - 10/12/2023.
PV/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/can-lam-cho-the-gioi-hieu-ro-hon-ve-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-post1064050.vov