Trong giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thông tin của Nhân dân ngày càng gia tăng, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp đến việc thực hiện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (như: Thông tin về quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chính sách hỗ trợ xã hội, chính sách giáo dục...). Ngày 6-4-2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật tiếp cận thông tin, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2018. Thời gian qua, việc thực hiện Luật này đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin (TCTT) của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng đều biết đến quy định của Luật này. Nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo việc thi hành Luật Tiếp cận thông tin, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân
Các cơ quan nhà nước cần xác định rõ, đúng phạm vi, vai trò, mục đích, ý nghĩa của việc thực thi “Quyền tiếp cận thông tin” là một trong những quyền cơ bản quan trọng của công dân. Bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người mà Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận.
Các cơ quan nhà nước cần xác định nhiệm vụ đảm bảo quyền TCTT của công dân là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, gắn với quán trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Lấy người dân là mục tiêu, là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan mình. Các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cần bám sát thực tế, xác định mục đích của việc phổ biến là để người dân biết và hiểu được quyền TCTT của mình.
Các cơ quan nhà nước cần điều chỉnh hoạt động của cơ quan, đơn vị mình gắn với nhiệm cung cấp thông tin theo quy định
Cần tổ chức thực hiện kịp thời các nhiệm vụ, trách nhiệm để đảm bảo mọi công dân có thể dễ dàng, thuận lợi nhất trong việc TCTT thông qua việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện “Quy chế cung cấp thông tin cho công dân” theo đúng quy định. Quy chế cung cấp thông tin cho công dân phải được xây dựng một cách khoa học và minh bạch; việc ban hành và công khai Quy chế cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật đồng thời phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị.
Sửa đổi, thay thế kịp thời các văn bản không còn phù hợp, cản trở quyền tiếp cận thông tin của công dân
Thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản trước đây có nội dung liên quan đến việc bảo đảm quyền TCTT của công dân như: việc đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quyền được thông tin về pháp luật, trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; quyền giám sát, quản lý xã hội của người dân ở cơ sở… Do đó, các cơ quan nhà nước cần chủ động rà soát, thay thế, bãi bỏ hoặc đề xuất ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình không còn phù hợp.
Tăng cường ứng dung công nghệ thông tin trong cung cấp thông tin
Trong xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, các cơ quan nhà nước cần chủ động đề xuất, thực hiện các giải pháp tăng cường ứng dụng cộng nghệ thông tin để cung cấp nhanh gọn, đầy đủ, chính xác thông tin mà công dân yêu cầu trên các Cổng/Trang thông tin điện tử, Website, email; các cơ sở dữ liệu điện tử; nghiên cứu, ứng dụng các tiện ích của các mạng xã hội, các cổng cung cấp dịch vụ trực tuyến để đăng tải danh mục các thông tin phải được công khai, cung cấp, trả lời trực tuyến thông tin; đăng tải thông tin lên cơ sở dữ liệu thông tin do cơ quan mình tạo ra dưới dạng số hóa bằng các định dạng phổ biến để Nhân dân có thể sử dụng một cách nhanh gọn và thuận tiện.
Nâng cao hiệu lực thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước
Cùng với các giải pháp nêu trên, cần chú trọng đến năng lực thực thi công vụ và chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước. Bởi vì, công dân chỉ dễ dàng tiếp cận thông tin khi các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả, hiệu lực, lấy Nhân dân là mục tiêu để phục vụ, khi đó các thông tin sẽ được minh bạch, công khai, cung cấp nhanh chóng và đầy đủ. Việc thực hiện đầy đủ, đồng bộ những giải pháp nêu trên sẽ giúp cho “Quyền tiếp cận thông tin của công dân” được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật được thực hiện một cách thực chất, toàn diện trong đời sống.
Hương Liên
(Nguồn: https://pbgdpl.haiphong.gov.vn/Nghien-cuu-trao-doi/Cac-giai-phap-nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-thuc-hien-quyen-tiep-can-thong-tin-cua-cong-dan-56178.html)