Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.

Bình đẳng giới để hướng đến phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.

19/11/2021  12:02

Trong những năm qua, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong xã hội - Ảnh: Lê Nguyễn

Mặc dù thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới (BĐG) song vấn đề này vẫn đang còn tồn tại nhiều thách thức, bất cập khi nữ giới đang gặp phải những rào cản nhất định trên con đường phát triển sự nghiệp và còn tồn tại những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến quyền kinh tế của phụ nữ. 

Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu 2020 (Global Gender Gap Report 2020), thế giới cần đến 257 năm để có thể hoàn toàn loại bỏ sự chênh lệch về mặt kinh tế giữa hai giới. Chỉ có 55% phụ nữ từ 15-64 tuổi tham gia vào lực lượng lao động, trong khi nam giới chiếm đến 78% và đặc biệt, ở vị trí lãnh đạo cấp cao trên toàn cầu, phụ nữ chiếm ít hơn một phần ba (khoảng 29%).

Việt Nam đang đứng thứ 87 trên tổng số 153 quốc gia về thu hẹp khoảng cách giới, hiện thu nhập của nữ giới ít hơn trung bình 3 triệu đồng so với nam giới mỗi năm. Tỉ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, trong khi nam giới nắm quyền ở vị trí cấp cao giữ một tỉ lệ vượt trội - 77,6%. Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phụ nữ dành nhiều hơn 14 giờ mỗi tuần so với nam giới để làm việc nhà, chăm sóc con cái và người cao tuổi.

Bên cạnh đó, có nhiều cơ hội và thách thức đối với sự tiến bộ của phụ nữ và trẻ em gái trong thập kỷ tới, bao gồm các vấn đề liên quan đến sự già đi của dân số Việt Nam, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tự động hóa việc làm.

Trong khi đó, ngày nay, với một thế giới hội nhập và toàn cầu hóa, vị thế, năng lực của một quốc gia nói chung hay một tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nói riêng không chỉ dựa vào những chỉ số, yếu tố kinh tế thuần túy mà thay vào đó là các yếu tố như: Môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội và bao gồm cả BĐG đang ngày càng được nhìn nhận, đánh giá có vai trò quan trọng tới sự phát triển chung của từng quốc gia và tới toàn cầu nói chung. Chính vì vậy, phát huy vai trò của phụ nữ trong đó thúc đẩy BĐG có ý nghĩa vô cùng quan trọng tới sự phát triển kinh tế-xã hội.

Đại dịch COVID-19 đã tác động làm tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới - Ảnh: Lê Nguyễn

Vai trò của BĐG tới phát triển kinh tế -xã hội

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM, BĐG là một yếu tố không thể thiếu nếu Việt Nam muốn đạt tham vọng trở thành nước phát triển vào năm 2045. Bởi vì dù GDP, hạ tầng cơ sở có phát triển nhưng những yếu tố xã hội, trong đó có BĐG, chưa phát triển thì khó có thể nâng cao vị thế quốc gia của mình. Chúng ta thấy trong các nghị quyết của Đảng luôn phấn đấu vì mục tiêu “Công bằng - Dân chủ - Văn minh”, ý nghĩa của 3 từ trên cũng đã hàm chứa vai trò của BĐG là mục tiêu mà Đảng, Chính phủ Việt Nam muốn thúc đẩy.

Trong những năm qua, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Không chỉ là những người phụ nữ nội trợ của gia đình mà rất nhiều phụ nữ đã nỗ lực vươn lên nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy của chính quyền cũng như làm chủ DN.

Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ tham gia cấp ủy, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đều tăng cả về số lượng và chất lượng; trong các ngành công nghiệp có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng; trong ngành giáo dục các nữ trí thức, nhà khoa học say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học, tham gia chủ trì nhiều đề tài là cơ sở hoạch định chính sách; đội ngũ nữ doanh nhân năng động, sáng tạo, vượt khó, tạo việc làm cho hàng triệu lao động…

Đồng quan điểm về vai trò của BĐG tác động tới sự phát triển bền vững, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho rằng, vai trò của BĐG trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia đã được khẳng định, đây là vấn đề xuyên suốt trong tất cả các hoạt động phát triển. Việt Nam đã có rất nhiều chính sách, chương trình thúc đẩy BĐG và cũng đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Báo cáo “Tổng quan về BĐG ở Việt Nam năm 2021” do Cơ quan Liên Hợp Quốc về BĐG và Trao quyền cho phụ nữ chủ trì cũng khẳng định các nỗ lực và thành tích của Việt Nam.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược BĐG (thực hiện mục tiêu quốc gia về BĐG năm giai đoạn 2011-2020), Viêt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều đó thể hiện ở việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Tỉ lệ nữ giới tham gia các cấp ủy Đảng khóa sau đã tăng hơn khóa trước. Cụ thể: Tỉ lệ nữ giới tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là 8,62%, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương là 11,4%. Nhiệm kỳ 2015-2020, lần đầu tiên có 3 đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị (đạt tỉ lệ 15,78%).

Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỉ lệ phụ nữ tham gia lao động. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,2%, tăng thêm 3,11% vào khóa tiếp theo, đạt tỉ lệ 27,31%, cao hơn tỉ lệ chung của thế giới.

Kết quả BĐG còn được thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (Tổng điều tra) của Tổng cục Thống kê cho thấy, nữ giới chiếm đến 47,3% lực lượng lao động chính của cả nước. Tính đến tháng 10/2019, có khoảng trên 285,6 nghìn DN do nữ doanh nhân đứng đầu, chiếm 24% tổng số DN cả nước. Tỉ lệ nữ giới biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 97,33%, tỉ lệ nữ thạc sỹ đạt 54,25%, tỉ lệ tiến sĩ đạt 30,8%.

Có được những kết quả trên, theo bà Tô Nữ Thị Ninh, thành công này chính là nhờ việc Chính phủ Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý về Luật Bình đẳng giới, Luật Bầu cử Quốc hội, Bộ luật Lao động, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn 2011-2020 một cách cụ thể, minh bạch và thuận lợi cho sự phát triển của phụ nữ.

Bên cạnh đó, theo ông Bùi Văn, Giám đốc Kênh truyền hình FBNC, trong nền kinh tế thị trường, người phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vai trò của mình qua con số có tới 25,4% (gần 1/3) tỉ lệ nữ làm chủ DN. Các DN do phụ nữ làm chủ có tính sáng tạo cũng như khả năng thích nghi cao và họ cũng sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới. Bên cạnh tính năng động, sáng tạo, quyết đoán của người làm kinh doanh, người phụ nữ Việt Nam có thêm ưu thế là tính mềm dẻo, biết lắng nghe và biết thuyết phục. Đó chính là những lợi thế rất quan trọng trong quá trình quản lý, quản trị tổ chức DN của người phụ nữ làm chủ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần mạnh dạn và kịp thời hơn nữa phát huy tiếng nói, đề xuất với Nhà nước những vấn đề liên quan đến BĐG - Ảnh: Lê Nguyễn

Thách thức và rào cản trong thúc đẩy BĐG

Tuy nhiên, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, tỉ lệ nữ có tăng ở các vị trí lãnh đạo tại Quốc hội, Chính phủ, cơ quan của Đảng nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra của Chiến lược quốc gia về BĐG. Thời gian gần đây, nhiều người phụ nữ giữ vai trò làm chủ các DN lớn, tuy nhiên, hầu hết đều thuộc khối tư nhân. Trong khi đó, các tập đoàn nhà nước lại thiếu sự xuất hiện của phụ nữ ở vị trí lãnh đạo.

Có thể nói BĐG ở nước ta còn chưa đồng bộ, chưa liên tục và còn “mấp mô”. Có những mặt mạnh nhưng còn nhiều lĩnh vực chưa đạt được như mục tiêu, kỳ vọng đặt ra, đặc biệt trong lĩnh vực tham chính. Ví dụ: Quốc hội khóa XIV có một chủ tịch và một phó chủ tịch là nữ. Thế nhưng, ở Quốc hội khóa XV vẫn có phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo một số ủy ban, tuy nhiên, trong 4 phó chủ tịch Quốc hội lại không còn ai là nữ. Về chính quyền, chỉ có 2/22 bộ trưởng và cấp bộ trưởng là nữ.

Bà Nguyễn Phương Linh cũng phân tích, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vì thế thực hiện phát triển một cách bền vững, trong đó có vấn đề BĐG, là xu thế tất yếu mà các DN hướng đến. Tuy nhiên, vẫn luôn tồn tại các vấn đề về giới trong khu vực DN.

Ví dụ: Số liệu năm 2020 tại Diễn đàn DN Việt Nam cho thấy, có đến hơn 71% phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia vào thị trường lao động, tỉ lệ phụ nữ có bằng đại học cao hơn 5% so với nam giới nhưng mức lương của họ thấp hơn 12% so với các đồng nghiệp nam. Hiện nay, trong tổng lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên, nữ giới chiếm 48,5%. Trong tổng số lao động làm việc ở các DN của cả nước, nữ giới chiếm 42,1% (trong đó, DN Nhà nước 32,1%, DN ngoài Nhà nước 36,3%, DN FDI 66,8%).

Theo Báo cáo Tổng quan về BĐG ở Việt Nam năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề hơn tới phụ nữ ở Việt Nam, làm trầm trọng thêm khoảng cách về giới vốn đã tồn tại dai dẳng trên thị trường lao động như: Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới, khiến chênh lệch theo giới tăng nhẹ lên 10,8. Nhiều bà mẹ có con nhỏ không còn lựa chọn nào khác là phải hy sinh sự nghiệp hay rời khỏi thị trường lao động để chăm con khi trường học đóng cửa. Chính vì thế, việc DN tham gia thúc đẩy BĐG là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, còn tồn tại về bất BĐG trong việc tiếp cận cơ hội nghề nghiệp, lương thưởng của phụ nữ, thúc đẩy phụ nữ tham gia kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, các vấn đề về phòng chống quấy rối, chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới…

Các giải pháp để thúc đẩy BĐG

Làm thế nào để thúc đẩy BĐG tại Viêt Nam và từ đó nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội và DN, theo bà Nguyễn Phương Linh, trong thời gian qua, các chương trình chính sách về BĐG của Chính phủ đã được xây dựng rất toàn diện và kịp thời.

Đó là, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Chiến lược gồm 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực chính trị; kinh tế, lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông.

Tiếp đến, để triển khai thực hiện Chiến lược 2021-2030, cũng trong khuôn khổ hợp tác với UN Women, Bộ LĐTB&XH đã triển khai xây dựng Tài liệu hướng dẫn thu thập số liệu và báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược để hướng dẫn các bộ, ngành chủ chốt và các địa phương thực hiện đồng bộ, thống nhất việc thu thập số liệu, báo cáo tình hình thực hiện Chiến lược hằng năm. Từ đó, hướng tới bảo đảm việc theo dõi, đánh giá thực hiện Chiến lược một cách hiệu quả.

Tháng 10/2021 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình truyên thông riêng về bình đẳng giới với tầm nhìn đến năm 2030.

Bộ LĐTB&XH đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực BĐG gồm 4 chương, 24 điều. So với Nghị định 55, nội dung về hành vi VPHC và các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi VPHC về BĐG được Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới.

Về giải pháp cụ thể, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, cần những biện pháp hiệu quả như bố trí tập sự cấp vụ hoặc cấp bộ (như Bộ Ngoại giao đã và đang thực hiện) và cả những biện pháp mạnh dạn và mới mẻ để triển khai việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo nữ một cách hiệu quả. Ví dụ, đối với cán bộ nữ được quy hoạch, cần tạo điều kiện cho họ ứng cử đại biểu Quốc hội nhằm để họ có cơ hội ra “biển cả” - diễn đàn Quốc hội quy tụ 63 tỉnh, thành phố.

Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đối với xã hội được cộng đồng phụ nữ hưởng ứng và các đối tác quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, Hội cần mạnh dạn và kịp thời hơn nữa phát huy tiếng nói, đề xuất với Nhà nước những vấn đề liên quan đến BĐG.

Đối với DN, bà Nguyễn Phương Linh cho rằng, vấn đề BĐG nên được xuyên suốt và bao trùm trong các chiến lược và chính sách của DN và cần truyền thông, hướng dẫn cho các DN trong việc hiện thực hoá, áp dụng các hướng dẫn này trong thúc đẩy chính sách, chiến lược và xây dựng văn hoá tôn trọng BĐG của DN.

Lê Nguyễn

Nguồn:https://baochinhphu.vn/binh-dang-gioi-de-huong-den-phat-trien-ben-vung-102304145.htm