Theo báo cáo từ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em - số 111 Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong năm 2022, Tổng đài đã tiếp nhận 419 ca báo cáo liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (trong đó, có 398 ca tư vấn và 21 ca can thiệp liên quan đến các kênh, đường link, clip xấu, độc hại với trẻ em).

Việc đưa giáo dục kỹ năng sống trên không gian mạng vào chương trình giáo dục phổ thông sẽ góp phần định hướng trẻ em dùng mạng xã hội một cách đúng đắn.
Việc đưa giáo dục kỹ năng sống trên không gian mạng vào chương trình giáo dục phổ thông sẽ góp phần định hướng trẻ em dùng mạng xã hội một cách đúng đắn.

Đồng thời, Báo cáo ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức quốc tế về Chấm dứt bóc lột tình dục trẻ em (ECPAT) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) năm 2022 cho thấy, 23% số trẻ độ tuổi 12 đến 17 sử dụng internet, tham gia khảo sát cho biết, các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua (12 tháng trước cuộc khảo sát), 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn, 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm khi chưa có sự đồng ý, 2% bị yêu cầu trò chuyện về tình dục... Phần lớn trẻ nói các em từng bị xâm hại tình dục trên mạng, đã không tiết lộ việc bị bóc lột và xâm hại với ai, hoặc chỉ kể với một người bạn. Rất ít trẻ cho biết các em đã kể với người chăm sóc và/hoặc một kênh chính thức, như công an hoặc đường dây trợ giúp…

Có thể thấy, với những nội dung độc hại, nhất là các nội dung tình dục độc hại tràn lan trên môi trường mạng như hiện nay, thanh, thiếu niên có nguy cơ gặp nhiều vấn đề rủi ro trên môi trường mạng. Thực trạng nêu trên đòi hỏi cần có những giải pháp ngăn chặn những nội dung tình dục độc hại trên môi trường mạng và hỗ trợ thanh, thiếu niên sử dụng internet lành mạnh và hiệu quả. Tại buổi tọa đàm "Ngày An toàn internet 2023 - Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi các nội dung tình dục độc hại trên môi trường mạng", do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Trẻ em Nguyễn Thị Nga chia sẻ về những nỗ lực trong việc hỗ trợ và xử lý các rủi ro trên môi trường mạng đối với trẻ em: "Đặc biệt, thời gian tới, Cục Trẻ em tiếp tục các hoạt động nhằm tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh, thu hút sự tham gia của trẻ em tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng và hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng".

Trên thực tế, hiện nay nhiều thanh, thiếu niên khi tiếp xúc với những nội dung tình dục độc hại khi gặp vấn đề thường lựa chọn việc im lặng và cho qua thay vì lên tiếng, báo cáo và tìm kiếm sự hỗ trợ, e ngại tìm đến những kênh tiếp nhận và trợ giúp… Theo bà Hoàng Thu Giang (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông), cần phải có giải pháp cho vấn đề này. Hiện nay, các ứng dụng, các nền tảng, mạng xã hội đã có rất nhiều công cụ để có thể giúp người dùng kiểm soát những nội dung độc hại, mất an toàn khi sử dụng internet. "Chúng tôi cũng đã và đang nỗ lực mở rộng các kênh để người dùng báo cáo những nội dung độc hại, hỗ trợ người dùng khi đối mặt với các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng. Người dùng có thể tìm đến các kênh như Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cơ quan công an các cấp hoặc gọi hotline 113, Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng,… Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp ứng phó, việc nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng về sử dụng mạng an toàn là cách bảo vệ hoàn hảo nhất" - bà Hoàng Thu Giang cho biết.

Theo các chuyên gia tham dự tọa đàm, bên cạnh những giải pháp chính sách, pháp luật, bộ quy tắc ứng xử, chặn/lọc… được xem là các giải pháp giải quyết và ứng cứu, thì giáo dục và nỗ lực lan tỏa các điều tích cực để đẩy lùi các nội dung độc hại vẫn là giải pháp lâu bền và hiệu quả nhất. Nhà sáng tạo nội dung TikTok Huỳnh Quang Minh nhấn mạnh: "Các nhà sáng tạo nội dung cần được truyền cảm hứng để chia sẻ những điều tốt đẹp, trong đó bao gồm chủ đề giáo dục giới tính và tình dục tích cực. Thay vì trở thành những KOL (Key Opinion Leader - Người dẫn dắt) hãy trở thành những Kind Opinion Leader - Người lan tỏa những điều tốt đẹp. Các nền tảng cũng nên có các cơ chế hỗ trợ cho những nhà sáng tạo nội dung tích cực"….

NHẬT ANH

Nguồn: https://nhandan.vn/bao-ve-tre-em-khoi-cac-noi-dung-doc-hai-tren-moi-truong-mang-post742267.html