Các chủ thể tham gia thị trường có trách nhiệm hỗ trợ người tiêu dùng, coi việc bảo vệ quyền của người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ, còn là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội.
Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 hàng năm, hướng tới việc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới đây, sáng 15/3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Công Thương và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024. Lễ phát động được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) phối hợp thực hiện.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay có chủ đề: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng (NTD) trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi NTD.
Các hoạt động vì quyền lợi NTD năm nay được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt năm 2024. Trong đó, tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm… Các hoạt động hưởng ứng được tập trung tổ chức trong tháng 3/2024 (tháng cao điểm) và kéo dài hết năm 2024.
Tại Trung ương, ngoài triển khai Tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024, còn tập trung tuyên truyền phổ biến, phát hành các tài liệu, ấn phẩm có liên quan. Tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề; tri ân NTD; tổ chức các sự kiện công cộng hướng về NTD hay các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi NTD…
UBND các tỉnh, thành phố căn cứ trên tình hình thực tế để lập kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng trên địa bàn, đảm bảo toàn bộ các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đều có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, quảng bá…
Bộ Công Thương khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, DN và NTD với các hoạt động liên quan. Từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các DN; bảo đảm các quyền cơ bản của NTD, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.
Tại Lễ phát động, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ, việc quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD, qua đó còn tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để huy động sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD.
“Chủ đề hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, nhằm khẳng định tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin minh bạch, bảo đảm môi trường tiêu dùng an toàn cho NTD, cộng đồng và toàn xã hội. Chủ đề trên cũng là lời kêu gọi các cơ quan, tổ chức cần nhanh chóng triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin cho xã hội về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Từ đó góp phần sớm đưa các quy định của Luật vào thực tiễn, tạo ra sự lan tỏa, đồng thuận chung trong việc tiếp cận và vận dụng các quy định của Luật”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Theo ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, để triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, cần tiếp tục đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trở thành thói quen thường xuyên, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Cần coi bảo vệ quyền lợi NTD là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, không chỉ tập trung vào một cơ quan, một đơn vị.
Bên cạnh công tác thực thi của các cơ quan Chính phủ, các đơn vị của Quốc hội có trách nhiệm giám sát để kịp thời phát hiện, kiến nghị và có giải pháp điều chỉnh về mặt chính sách, lập pháp để không ngừng nâng cao hiệu lực của các quy định. Đặc biệt trong quá trình thực thi Luật, tất cả các cơ quan, đơn vị cần chú trọng thường xuyên đối thoại với DN, người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
“Xu hướng phát triển kinh tế ngày càng cho thấy rõ vai trò của NTD đối với sự thành bại của DN. Tuy nhiên, NTD lại là nhóm chủ thể có nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thực hiện quyền lợi của mình. Do vậy, các chủ thể tham gia thị trường có trách nhiệm hỗ trợ NTD, đặc biệt là các DN và các tổ chức xã hội. Đối với các DN, cần nhận thức được rằng việc bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội”, ông Thi nêu trọng tâm.
Tại Lễ phát động, các đại biểu và diễn giả cũng đã tập trung thảo luận, chia sẻ về sự cần thiết, quá trình xây dựng, những kỳ vọng và định hướng triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Qua đó cho thấy, NTD là lực lượng có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NTD, không chỉ thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, mà còn nhằm xây dựng môi trường kinh doanh bền vững, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/bao-ve-quyen-cua-nguoi-tieu-dung-la-trach-nhiem-nghia-vu-vi-loi-ich-chung-post1082834.vov