Quá nhiều vụ bạo lực trẻ em xảy ra thời gian qua, có những vụ việc đã cướp đi sinh mạng của con trẻ… Không ít người đã phải thốt lên rằng: Thật đáng hổ thẹn. Nhưng sau hổ thẹn thì sao, là số vụ bạo hành trẻ em vẫn liên tiếp xảy ra, với tính chất tàn độc ngày càng gia tăng.
Liên tiếp những vụ bạo hành rúng động
Dư luận chưa hết bàng hoàng vụ bé gái 7 tuổi ở Bình Phước bị hành hạ tàn nhẫn, thì lại phát hiện vụ cháu T. tại Hà Nội nghi vấn bị người lớn bạo hành khủng khiếp. Cụ thể ngày 21/7, công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội nhận tin báo từ Bệnh viện Nhi Trung ương về trường hợp một cháu bé nhập viện trong tình trạng tím tái, hôn mê sâu li bì và sốt cao, nghi bị ngược đãi, hành hạ. Ngay lập tức, công an vào cuộc điều tra và bước đầu xác định, vào ngày 21/7/2022, mẹ cháu L.Q.T. (1 tuổi) là chị Lê Thị Lan H. (SN 1994, trú tại An Dũng, Đức Thọ, Hà Tĩnh) thuê Đoàn Diệu Linh trông giữ cháu T. với giá 3.000.000 đồng/tháng, tại địa chỉ số 34A, ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội, để chị H. đi làm công nhân tại Bắc Giang. Theo lời khai ban đầu, trong quá trình trông giữ cháu T., do cháu bị sốt và quấy khóc nên Linh và Hoàng Thế Vũ (chồng của Linh) đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người, dùng chăn quấn vào người và dùng băng dính bịt miệng cháu T. Đến ngày 26/7/2022, thấy cháu T. mệt mỏi, khó thở, Vũ và Linh đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Tiếp đến sáng 5/8, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một bé gái không mặc quần áo, bị cha treo lên trần nhà đánh đập dã man, gây bức xúc dư luận. Qua xác minh của cơ quan công an, cháu bé trong đoạn clip là cháu N. (sinh năm 2012, trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Nguyên nhân cháu N. bị đánh được xác định, trước đó vào đêm 27/7, N. ngủ qua đêm ở nhà bác nhưng không xin phép bố là Nguyễn Văn Thắng (34 tuổi). Bức xúc nên trưa ngày 28/7, Thắng đã bắt cháu N. cởi hết quần áo, sau đó dùng áo quấn quanh cổ tay, rồi dùng dây thừng treo cháu lên xà nhà và dùng roi đánh cháu…
Mới đây, trưa ngày 14/8, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa cấp cứu, điều trị kịp thời cho một bé trai ở xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam bị người lớn bạo hành với nhiều thương tích. Nguy hiểm hơn khi cháu bé còn bị cho vào thùng giấy và nhốt trong tủ cấp đông. Bước đầu, cơ quan công an xác định người gây ra sự việc là người thuê nhà để bán hàng nước gần nhà cháu bé. Đối tượng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ để điều tra và xử lý.
Những năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có hơn 2.000 trẻ em bị bạo hành, xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Theo Unicef Việt Nam, có tới 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. Thực tế này cho thấy, sự thiếu hiểu biết pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em thể hiện ngay trong chính các gia đình, các bậc phụ huynh. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ bạo hành gần đây do chính cha mẹ bạo hành con em của mình.
Gia đình phải là chốn bình yên cho trẻ
Những kẻ gây ra các vụ việc đau lòng này chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc, xã hội lên án mạnh mẽ. Thế nhưng, điều chúng ta băn khoăn, trăn trở là nạn bạo hành vẫn còn đó, như một vết thương không lành, thậm chí có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày một trầm trọng… Nhức nhối hơn thế, nhiều vụ bạo hành lại xảy ra ngay chính ở những nơi tưởng chừng bình yên nhất cho trẻ, là gia đình, nhà trường…
Theo Trung tá, TS. chuyên gia nghiên cứu tội phạm Đào Trung Hiếu (Bộ Công an), điểm chung trong đặc điểm tâm lý thủ phạm là sự thoái hóa về nhân cách, với các đặc điểm lệch lạc như: Tính ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, lối sống vị kỷ, hưởng thụ, thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc tâm lý trong giao tiếp xã hội, coi thường các chuẩn mực về đạo đức và pháp luật.
Ở góc độ khác, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Khuất Văn Quý cho rằng, việc cha mẹ đặt kỳ vọng và tạo áp lực cho con sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực. “Hiện nay trong một số gia đình, cha mẹ chưa quan tâm tới suy nghĩ của trẻ, không đặt trẻ ở vị trí trung tâm. Các phụ huynh mong muốn, kỳ vọng ở trẻ rất lớn. Mong muốn, kỳ vọng thì không sai, nhưng nếu bố mẹ không tìm hiểu mong muốn sở trường của con, không đặt mình vào vị thế của trẻ, quá kỳ vọng thì sẽ khiến trẻ bị căng thẳng, không những thế gây mệt mỏi, lo âu cho chính mình” – ông Quý nhận định.
Tại tọa đàm trực tuyến “Ước mơ của con - Kỳ vọng của bố mẹ” mới đây, nhiều em nhỏ đã viết lên tâm sự như: “Con mong bố mẹ không ép con trong học tập, thay vào đó, bố mẹ nên lắng nghe và giúp mình sửa lỗi sai, không dùng bạo lực với con”. Hay có em tâm sự: “Con biết đôi lúc con bướng bỉnh và có những lỗi lầm nhưng những lúc ấy, con chỉ mong nhận được sự chỉ bảo, dạy dỗ bằng lời nói của bố mẹ nhưng không, cả bố và mẹ đều dùng đòn roi. Có nhiều khi con thấy bố lao vào con đấm, đá hay ném bất cứ thứ gì vào người con. Những lúc ấy con không thấy đau vì bị đánh mà chỉ cảm thấy tủi thân vì sao bố lại có thể bạo lực với con như vậy”.
Theo bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH, pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em là của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Theo đó, gia đình luôn phải là chốn bình yên che chở cho tuổi thơ, để các em được lớn lên trong bình an, sự tin cậy và tình yêu thương. Người lớn, nhất là các bậc làm cha, làm mẹ phải nhận thức sâu sắc rằng, hành vi bạo hành con cái dù ở mức độ nào, với bất cứ lý do gì đều không thể chấp nhận được. Cùng với đó, nhà trường phải thực sự là “mái nhà bình yên” thứ hai sau gia đình, để trẻ em được lớn lên trong môi trường an toàn, nơi tình yêu thương dẫn lối.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội:
Nhanh chóng thiết lập mạng lưới xã hội cộng đồng
Luật Trẻ em năm 2016 nêu rõ, bảo vệ trẻ em được thực hiện theo 3 cấp độ: Phòng ngừa; Hỗ trợ; Can thiệp. Cấp độ đầu tiên là phòng ngừa, tức là phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội để hỗ trợ các bậc cha mẹ cả về những kiến thức, kỹ năng ở cộng đồng về chăm sóc trẻ. Đội ngũ này còn có tác dụng quan trọng đối với công tác bảo vệ trẻ em là phát hiện sớm, ngăn chặn sớm, phòng ngừa sớm để không xảy ra vụ việc trẻ em bị bạo hành. Song có một nghịch lý là ở nước ta, sinh viên học ngành công tác xã hội ra trường bị thất nghiệp, làm việc trái ngành. Trong khi đó, vấn đề trẻ em bị bạo hành liên tiếp xảy ra với mức độ rất nghiêm trọng. Nếu chúng ta có mạng lưới công tác xã hội cộng đồng sẽ dễ dàng phát hiện trẻ bị bạo hành và thông báo tới Hội Phụ nữ, gia đình, hàng xóm để ngăn chặn. Vì thiếu vắng mạng lưới nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên tại cộng đồng cho nên chúng ta đã không làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn sớm dẫn đến trẻ em bị bạo lực rồi mới được phát hiện.
K.LÊ - M.SANG
Nguồn: http://daidoanket.vn/bao-luc-tre-em-nhung-vet-thuong-bao-gio-lanh-5694192.html