Luật Người khuyết tật (NKT) được ban hành năm 2010, sau hơn 10 năm thi hành, các quyền cơ bản của NKT đã được bảo đảm. Tuy nhiên, hiện NKT vẫn gặp phải một số rào cản, khó khăn trong lĩnh vực giáo dục, cần sớm có quy định điều chỉnh để họ được tiếp cận toàn diện hệ thống giáo dục hòa nhập theo Công ước quốc tế về quyền của NKT (CRPD).

Mặc dù Luật NKT quy định về giáo dục hòa nhập và xác định đó là mô hình giáo dục chính cho NKT, tuy nhiên, môi trường học tập có thể ảnh hưởng không tốt tới quyền học tập của NKT. Ví dụ, có cơ sở giáo dục không có phiên dịch ngôn ngữ cho người khiếm thính, không có tài liệu ở định dạng dễ tiếp cận cho người khiếm thị, không có thang máy hay nhà tắm mà người dùng xe lăn có thể sử dụng được...

Bảo đảm quyền tiếp cận toàn diện hệ thống giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật
Giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ninh Thuận với dụng cụ học tập tự làm. Ảnh: UNICEF Việt Nam. 

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trong những năm 2016-2017, tại Việt Nam có 94,2% trẻ em khuyết tật tham gia học tập ở các trường học thông thường. Mặc dù số lượng lớn trẻ em đang được giáo dục hòa nhập nhưng thách thức đặt ra là bảo đảm công bằng trong giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật từ các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội thấp hơn. Sự tham gia giáo dục hòa nhập của trẻ em khuyết tật trong độ tuổi từ 5 đến 14 ở các hộ gia đình nghèo thấp hơn so với tỷ lệ trẻ em không khuyết tật (21%). UNICEF cho biết: “Hiện nay, những trẻ em này vẫn phải đối mặt với một số rào cản để giáo dục hòa nhập xa tầm với, đặc biệt là thiếu các cơ sở vật chất, trường chuyên biệt, chuyên ngành và đào tạo cho giáo viên có nhiều khác biệt của định nghĩa về trẻ khuyết tật trong các lĩnh vực khác nhau. Tất cả các lý do nêu trên đã đưa ra một hệ quả là còn quá nhiều trẻ em khuyết tật không được tới lớp học, không hoàn thành chương trình tiểu học hoặc trung học và không được đòi quyền lợi cơ bản của các em là được tiếp cận một nền giáo dục có ý nghĩa”.

Theo Báo cáo điều tra quốc gia về NKT năm 2016 của Tổng cục Thống kê, các rào cản và thách thức hạn chế trẻ em khuyết tật trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục hòa nhập vẫn còn tồn tại. Chẳng hạn, về cơ sở vật chất, trong 100 trường học chỉ có 3 trường có thiết kế phù hợp (2,9%), 8 trường có lối đi dành cho NKT (8,1%) và 10 trường có công trình vệ sinh phù hợp với trẻ khuyết tật (9,9%); có gần 3/4 số trường thiếu giáo viên giảng dạy học sinh khuyết tật (72,3%), cứ 7 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở thì mới có 1 người được đào tạo để giảng dạy cho học sinh khuyết tật (14,1%). Không được tiếp cận giáo dục là rào cản chính đối với NKT tham gia toàn diện vào xã hội. Báo cáo cũng chỉ ra 50% NKT trong độ tuổi từ 15 đến 64 là người sống trong hộ nghèo đa chiều chưa từng đi học hoặc chưa từng hoàn thành bậc học tiểu học. Bên cạnh đó, NKT cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các bậc học cao hơn, vì các trường học chưa bảo đảm tiếp cận và không có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học bảo đảm tiếp cận cho NKT.

Luật sư Trần Quang Khải, Trưởng văn phòng Luật sư Quang Khải và cộng sự, cho biết: Điều 30, Luật NKT quy định trách nhiệm của các cơ sở giáo dục phải bảo đảm các điều kiện dạy và học phù hợp với NKT, không được từ chối tiếp nhận NKT nhập học trái với quy định của pháp luật. Thực hiện việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Đồng thời, CRPD yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm hệ thống giáo dục ở mọi cấp và học tập suốt đời cho NKT cũng như “cung cấp các trợ giúp cá biệt hóa và có hiệu quả, trong môi trường thể hiện sự phát triển xã hội và khoa học kỹ thuật cao nhất, phù hợp với mục đích hòa nhập trọn vẹn”. Điều 24 CRPD quy định: “Quốc gia thành viên thừa nhận quyền được giáo dục của NKT. Việc thừa nhận quyền học tập mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử và trên cơ sở bình đẳng về cơ hội”. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có rất ít NKT tiếp cận được các bậc học cao hơn, đặc biệt là giáo dục đại học. Bởi vậy, cần có quy định pháp luật cụ thể hơn về nghĩa vụ của các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương để bảo đảm giáo dục hòa nhập cho NKT. Điều cần thiết là phải xây dựng năng lực cho NKT thông qua loại bỏ các rào cản trong giáo dục, đặc biệt là trong giáo dục đại học và đào tạo nghề; xây dựng các quy chế, chính sách, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu cá nhân của NKT và có sự hỗ trợ cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập.

Giáo dục hòa nhập không chỉ mang lại kết quả học tập tốt hơn cho NKT mà còn thúc đẩy sự khoan dung, gắn kết xã hội và thúc đẩy sự tham gia bình đẳng trong xã hội. Bởi vậy, bảo đảm quyền tiếp cận toàn diện hệ thống giáo dục hòa nhập cho NKT là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong việc bảo đảm quyền cho nhóm người yếu thế và dễ bị tổn thương.

DƯƠNG SAO

Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-dam-quyen-tiep-can-toan-dien-he-thong-giao-duc-hoa-nhap-cho-nguoi-khuyet-tat-654883