1. Pháp luật quốc tế về quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số

Quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong duy trì bản sắc và phát huy sự đa dạng văn hóa của quốc gia, dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tuyên ngôn thế giới về Đa dạng văn hóa (2001) của UNESCO khẳng định: Các quyền văn hóa là một phần của quyền con người, mang tính phổ quát, không thể phân chia và phụ thuộc lẫn nhau. Việc thăng hoa đa dạng sáng tạo đòi hỏi thực thi triệt để các quyền văn hóa được quy định trong Điều 27 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và Điều 13, 15 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Do đó, mọi người đều có quyền thể hiện bản thân, sáng tạo và công bố công việc của mình bằng thứ ngôn ngữ họ lựa chọn, cụ thể là tiếng mẹ đẻ của họ; mọi người đều có quyền hưởng nền giáo dục - đào tạo có chất lượng mà hoàn toàn tôn trọng bản sắc văn hóa của họ; và đều có quyền tham gia vào đời sống văn hóa họ thích, cũng như thực hiện các thói quen văn hóa của riêng họ, trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản1. Chính vì vậy, quyền này đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người. Theo Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, 1966): Các quốc gia thành viên Công ước công nhận mọi người đều có quyền: tham gia vào đời sống văn hóa (Điều 15). Công ước quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc (ICERD, 1965) nhấn mạnh, các nhóm chủng tộc, dân tộc cần được bảo đảm đặc biệt quyền bình đẳng trong việc tham gia vào các hoạt động văn hóa (Điều 5). Theo Bình luận chung số 21 (2009) của Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR) sự hiện diện quyền tham gia vào đời sống văn hóa bao gồm các yếu tố chủ yếu sau: i) Tính sẵn có: sự hiện diện của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, bao gồm cả văn hóa dân gian, các loại hình nghệ thuật, không gian cho các tương tác văn hóa, các loại hình văn hóa phi vật thể, cảnh vật tự nhiên thể hiện sự đa dạng sinh học; ii) Khả năng tiếp cận: cơ hội và hiệu quả cho cá nhân và cộng đồng hưởng thụ văn hóa phù hợp với khả năng vật chất, tài chính, chú ý các nhóm dễ bị tổn thương; có quyền tìm kiếm, chia sẻ thông tin về văn hóa, thực hiện các hình thức biểu đạt văn hóa thông qua ngôn ngữ tự chọn và các công cụ khác của cộng đồng; iii) Sự thừa nhận: luật, chính sách, biện pháp về quyền này cần được tham vấn của cá nhân, cộng đồng có liên quan; iv) Tính thích nghi: các chương trình, chiến lược, biện pháp... phải phù hợp với sự đa dạng văn hóa của cá nhân, cộng đồng; v) Tính phù hợp: cách thức thực hiện quyền con người phải phù hợp với phương thức hay bối cảnh văn hóa. Để bảo đảm quyền tham gia vào đời sống văn hóa theo nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử về chủng tộc, dân tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo... các quốc gia phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý: Nghĩa vụ tôn trọng; Nghĩa vụ bảo vệ và Nghĩa vụ hỗ trợ. Chẳng hạn, ban hành pháp luật, chính sách thể hiện sự tôn trọng quyền của cá nhân, cộng đồng được tự do lựa chọn bản sắc; tự do ý kiến, ngôn luận bằng ngôn ngữ do họ lựa chọn; tự do sáng tạo, truyền dạy về văn hóa; tôn trọng quyền về đất đai, tài nguyên thiên nhiên không thể thiếu cho đời sống văn hóa của các nhóm thiểu số; bảo vệ các di sản văn hóa truyền thống; thúc đẩy quyền liên kết của các nhóm DTTS về văn hóa, ngôn ngữ; có biện pháp hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo văn hóa; hỗ trợ các nhóm DTTS trong bảo tồn văn hóa của họ; có biện pháp tạo thuận lợi cho các hoạt động giao lưu văn hóa dựa trên sự hiểu biết, khoan dung và tôn trọng lẫn nhau; có biện pháp truyền thông thích hợp để loại bỏ mọi định kiến dựa trên bản sắc văn hóa; thực hiện các biện pháp bảo đảm giáo dục và nhận thức phù hợp với quyền tham gia vào đời sống văn hóa, nhất là ở khu vực nông thôn, khu vực có người thiểu số...

2. Chính sách, pháp luật Việt Nam về quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số

Trên cơ sở các quan điểm của Đảng ta về văn hóa, quyền tham gia vào đời sống văn hóa đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 và 2013; Luật Di sản văn hóa (2001, 2009, 2013); “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” (Điều 41 - Hiến pháp năm 2013). Trực tiếp liên quan đến bảo đảm quyền này của các DTTS ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013, Điều 5, khoản 3 quy định: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói chữ viết, gìn giữ bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Trong thời kỳ đổi mới, bảo đảm quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các DTTS đã được cụ thể hóa trong một số chính sách; như: Chính sách hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS; hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển tiếng nói, chữ viết của các DTTS; hỗ trợ việc đầu tư, giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng; hỗ trợ xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào DTTS; Chính sách đối với người có uy tín vùng DTTS. Cụ thể là các văn bản: Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc; Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”; Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của người DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Chỉ thị 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi; Quyết định 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS và Quyết định 56/2013/QĐ-TTg ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; và một số văn bản khác của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến giảng dạy tiếng Jrai, tiếng Mông, tiếng Khmer đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng DTTS.

Các em học sinh người Dao đỏ huyện Lâm Bình trong một cuộc triển lãm ảnh của địa phương

Các em học sinh người Dao đỏ huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang trong cuộc triển lãm ảnh

về sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Dao tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao.

Nguồn:tuyenquang.gov.vn

3. Những kết quả đạt được trong việc bảo đảm quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”

Việc triển khai thực hiện pháp luật và chính sách nêu trên, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực trong bảo đảm quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các “DTTS”:

- Về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của các DTTS. Theo Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi (2016-2018) của Chính phủ: Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS cũng được chú trọng hơn. Hiện nay có 03 di tích quốc gia, 08 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào DTTS được xếp hạng di tích quốc gia; có 126 di sản văn hóa phi vật thể, 276 nghệ nhân ưu tú là người DTTS2. Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận “Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây nguyên” và “Thánh địa Mỹ Sơn” là di sản văn hóa thế giới.

- Về bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết và các loại hình nghệ thuật của DTTS. Thực hiện pháp luật, chính sách trên lĩnh vực này, một số cơ quan trung ương đã thực hiện chương trình phối hợp nhằm gìn giữ, phát huy, giới thiệu ngôn ngữ, chữ viết dân tộc trong phát thanh, truyền hình, sáng tác ca khúc; cung cấp sách báo, tạp chí và các ấn phẩm văn hóa tới các bản làng, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Nhiều địa phương đã thực hiên việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của các DTTS trong các cơ sở giáo dục; duy trì, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của DTTS; truyền hình, phát thanh bằng tiếng DTTS... Ví dụ, việc bảo tồn, phát huy ngôn ngữ Khmer đã được các địa phương như An Giang và Kiên Giang thực hiện bằng các biện pháp: tổ chức dạy học song ngữ cho học sinh là con em đồng bào Khmer; xây dựng chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng Khmer; Phát huy vai trò của Phật giáo Nam Tông trong bảo tồn, truyền bá ngôn ngữ, văn hóa Khmer... Nhiều địa phương cũng đã tích cực triển khai việc sưu tầm, biên soạn tài liệu giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức ở địa phương để đưa vào giảng dạy trong trường học. Từ năm 2008 đến năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 08 chương trình tiếng dân tộc (TDT) (Chăm, Khmer, Jrai, Bahnar, Êđê, Hmông, M’Nông, Thái) và 06 bộ sách giáo khoa TDT (Chăm, Khmer, Jrai, Bahnar, Hmông, Êđê), đã có 23 tỉnh, thành phố thực hiện dạy học TDT trong trường phổ thông3.

- Về xây dựng các thiết chế văn hóa vùng DTTS, nhất là ở cơ sở. Theo Kết quả Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2015, tính đến tháng 7/2015, số thôn vùng DTTS có nhà văn hóa cộng đồng là 30.243/48.364 chiếm tỉ lệ 62,5 % và có đài phát thanh là 27.522/48.364 chiếm tỷ lệ 56,9%4. Gần 100% số xã vùng dân tộc, miền núi có “Nhà văn hóa” hoặc “Bưu điện văn hóa”; nhiều thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Có nhiều hoạt động gắn với thiết chế văn hóa cơ sở cấp thôn bản, đặc biệt là hoạt động của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã đóng vai trò quan trọng đối với bảo đảm quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các DTTS.

- Về tổ chức các hoạt động giao lưu, tôn vinh và giới thiệu quảng bá văn hóa các dân tộc. Ngành văn hóa từ Trung ương đến địa phương đã nghiên cứu và tổ chức định kỳ nhiều hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng vùng đồng bào DTTS ở các địa phương, khu vực và quy mô toàn quốc như: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Miền Trung và miền Đông Nam Bộ, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Hmông, Chăm, Khmer, Mường; Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc. Trong 03 năm (2016-2018) đã có 06 dân tộc được tổ chức ngày hội văn hóa riêng của dân tộc mình: Dao, Mường, Mông, Thái, Chăm, Khmer5.

- Về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, lực lượng văn hóa và vinh danh người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thông qua các chương trình đào tạo bồi dưỡng của các Trường đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp, ngành Văn hóa đã đào tạo được đội ngũ cán bộ là con em các DTTS công tác trong ngành Văn hóa ở cơ sở; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa xã đặc biệt khó khăn. Mặt khác, trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khuyến khích nhiều cuộc thi sáng tác kịch bản phim, mỹ thuật, nhiếp ảnh, ca khúc về DTTS và miền núi. Chính phủ và nhiều địa phương đều coi trọng việc công nhận và tổ chức các Đại hội, hội nghị nhằm vinh danh người có uy tín trong các DTTS.

4. Một số vấn đề đặt ra trong việc bảo đảm quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Mặc dù đã đạt được những thành quả quan trọng, song theo nghiên cứu của Đề tài Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Mã số: CTDT.10.17/16-20 cho thấy còn nhiều vấn đề đặt ra trong việc triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các DTTS ở Việt Nam trên các khía cạnh:

- Về mức độ sẵn có và khả năng tiếp cận các dịch vụ văn hóa: Mặc dù đã có nhiều sự cải thiện, song ở nhiều vùng DTTS hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá đang trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng thấp; chất lượng các hoạt động văn hóa chưa đạt được hiệu quả mong muốn, chưa đáp ứng nhu cầu, đặc điểm văn hóa của các cộng đồng DTTS; mặt bằng hưởng thụ các dịch vụ, sản phẩm văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn có khoảng cách lớn so với nhiều vùng khác trong khi đó nhiều cảnh quan thiên nhiên, môi trường văn hóa như sông, núi, rừng, hồ, khu dự trữ sinh quyển, sự đa dạng sinh học... đều có nhiều nguy cơ bị tàn phá do nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do tác động của các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng các nhà máy thủy điện và bảo vệ rừng. Cần xem các hiện tượng này là các nghịch lý để có các biện pháp hiệu quả về pháp luật, chính sách trong thời gian tới đối với các DTTS ở Việt Nam.

- Về nghĩa vụ bảo vệ sự đa dạng: Thiếu hiệu quả trong việc thực hiện pháp luật, chính sách bảo vệ sự đa dạng văn hóa của các nhóm DTTS. Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa được thể chế hóa kịp thời trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống các DTTS, đặc biệt là những DTTS rất ít người hoặc ở những vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc rất ít người không còn là nguy cơ mà thực sự đã biến mất. Không chỉ ngôn ngữ mà các giá trị văn hóa vật thể của các dân tộc rất ít người cũng bị rơi rụng, biến dạng nghiêm trọng. Từ trang phục, không gian văn hóa truyền thống cho đến nhà ở, dụng cụ sinh hoạt - sản xuất... của nhiều dân tộc rất ít người đã thực sự mai một. Cá biệt có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống6.

- Về bảo đảm quyền được nhận diện và lựa chọn bản sắc: Bản sắc là các giá trị riêng biệt, đặc thù tạo nên sự đa dạng, phong phú của quốc gia đa dân tộc và là quyền đương nhiên của các nhóm dân tộc theo luật quốc tế hiện đại. Tuy nhiên, công tác xây dựng và thực thi luật, chính sách chưa có sự quan tâm thỏa đáng, đúng mức về vấn đề này. Các nghiên cứu về văn hóa tộc người chưa tương xứng với yêu cầu mới; nhiều di sản văn hoá giàu bản sắc tộc người chưa được công nhận là di sản cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS đứng trước nguy cơ bị mai một; việc phục dựng một số sinh hoạt văn hóa truyền thống của các DTTS ở nhiều địa phương chưa thật sự hiệu quả; việc lồng ghép giáo dục văn hóa của các DTTS cũng như các quyền của họ vào các chương trình trong trường học nhằm giúp học sinh DTTS nâng cao năng lực nhận diện bản sắc văn hóa chưa thật sự được thiết kế một cách có khoa học trong xây dựng luật, chính sách. Mặt khác, đa số nghệ nhân dân gian của các DTTS chưa được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để phát huy trong việc bảo tồn những di sản văn hóa mà họ là người am hiểu.

  • Về bảo đảm quyền đối với ngôn ngữ và các hình thức thực hành, biểu đạt văn hóa: ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) của nhiều tộc người thiểu số không được chú ý sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong lớp trẻ; trong các nhà trường vùng DTTS, việc dạy và học các ngôn ngữ thiểu số còn nhiều bất cập, thiếu chương trình, công cụ giảng dạy, đa số các giáo viên dạy tiếng dân tộc chưa đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ.Theo Kết quả điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 DTTS năm 2015, số người DTTS biết tiếng dân tộc mình đã bị suy giảm rõ rệt ở một số nhóm, điển hình như: La Chí là 64,4%; Ngái là 50,8%; Cơ Lao là 45,5%; Ơ Đu là 27,7%7... Nhiều dân tộc như: Si La, Cống, Lự, Ơ Đu... không có chữ viết nên việc lưu truyền văn hóa rất khó khăn. Mặt khác, nhiều di sản văn hóa như hát then, hát giao duyên, hát quan làng... cũng chỉ tồn tại ở các câu lạc bộ chứ không sống động ở các môi trường dân gian. Tỷ lệ số người DTTS biết điệu múa truyền thống của dân tộc mình là rất thấp, ví dụ Nùng: 0,9%; Si La: 1,3%; Sán Chay:1,5%; La Chí:1,7%; Cơ Lao: 3,5%; Chơ Ro: 4,1%; Bố Y: 4,4%8... Trang phục, nghệ thuật (dân ca, dân vũ, thêu dệt thổ cẩm, các bài hát truyền thống) của nhiều tộc người cũng có nguy cơ bị suy giảm trong đời sống của các DTTS.
  • Về tính phù hợp của các biện pháp: Nhìn chung việc thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm các quyền của DTTS không chỉ riêng lĩnh vực văn hóa, mà còn cả lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương còn thiếu tầm nhìn tổng thể về bối cảnh văn hóa, xã hội, địa lý, kinh tế. Các chính sách cho vùng đồng bào DTTS nói chung chưa được thiết kế, xây dựng và thực hiện phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào, do vậy hiệu quả chưa cao9. Sự thích đáng về văn hóa trong áp dụng pháp luật, chính sách không chỉ thúc đẩy sự tham gia và tôn trọng đa dạng văn hóa, mà còn nâng cao hiệu quả bảo đảm các quyền khác như cách thức cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nước sạch, thiết kế nhà ở...
  • Về sự tham gia: Sự tham gia của người DTTS, đặc biệt các nhóm dễ bị tổn thương vào các quyết định liên quan đến văn hóa còn hạn chế. Vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng chưa được tham vấn, phát huy trong việc xây dựng pháp luật, chính sách, thiết kế dự án cũng như triển khai, tổ chức quản lý, giám sát các hoạt động văn hóa liên quan đến các DTTS; Việc đào tạo và phát huy vai trò tích cực đội ngũ cán bộ làm văn hóa ở vùng DTTS chưa đáp ứng nhu cầu quy hoạch lâu dài; nhiều sinh viên là người DTTS được đào tạo ở các trường văn hóa nghệ thuật, đại học văn hóa... về địa phương khó xin được việc làm vì cơ chế và nhiều thủ tục không rõ ràng, ổn định...
  • Thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam - ảnh 1

    Học sinh trường tiểu học Trạm Tấu, Yên Bái. - Ảnh: TTXVN

5. Một số giải pháp bảo đảm quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Nhằm bảo đảm hiệu quả quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các DTTS ở Việt Nam hiện nay, cần chú trọng một số giải pháp chủ yếu sau:

- Một là, việc xây dựng pháp luật, chính sách liên quan đến bảo đảm quyền tham gia vào đời sống văn hóa các DTTS cần nhấn mạnh một số nguyên tắc chủ yếu như: i) Nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử; ii) Nguyên tắc trách nhiệm quốc gia; iii) Nguyên tắc các quyền có mối quan hệ gắn bó và phụ thuộc lẫn nhau. Phù hợp với các nguyên tắc này, nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong áp dụng các biện pháp pháp lý, thể chế, kinh tế hay giáo dục đối với các DTTS đòi hỏi phải được liên kết với yếu tố “thỏa đáng hay được chấp nhận về văn hóa”. Chẳng hạn, việc cung cấp các dịch vụ công, xây dựng nhà ở, cung cấp lương thực, nước sạch, các hình thức tư vấn, trợ giúp pháp lý, các hình thức truyền thông...đều phải được đánh giá từ văn hóa của các DTTS. Việc thiếu vắng yếu tố này sẽ làm suy giảm nghĩa vụ tôn trọng sự đa dạng văn hóa và quyền về văn hóa của các nhóm DTTS.

Hai là, đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo quản lý, các tầng lớp xã hội về quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các DTTS, bao gồm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của việc bảo vệ đa dạng văn hóa cũng như khuyến khích tự do sáng tạo, biểu đạt. “Cách tiếp cận về quyền đối với văn hóa thể hiện ở một số điểm chính: Thừa nhận tầm quan trọng của sức sống (vitality) của những nền văn hóa; Thúc đẩy tính độc đáo và sự đa dạng của những bản sắc; Kết hợp văn hóa như là yếu tố chiến lược trong các chính sách phát triển quốc gia và quốc tế; Cung cấp một môi trường tôn trọng và khuyến khích tự do biểu đạt; Cho phép sự tương tác và tính sáng tạo, nuôi dưỡng và làm mới các biểu đạt văn hóa”10. Đồng thời chủ động khắc phục các định kiến đối với bản sắc văn hóa của các nhóm DTTS, trước hết trong hoạt động của các cơ quan công quyền, trong cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, truyền thông vùng DTTS. Một số nghiên cứu đã cho thấy, sự hạn chế tham gia của các DTTS vào các hoạt động xã hội, nghề nghiệp hay trong tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục có nguyên nhân từ sự phân biệt đối xử dựa trên bản sắc văn hóa.

Ba là, bố trí đủ nguồn lực đầu tư để cải thiện mức độ sẵn có và nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ở vùng DTTS, bao gồm xây dựng các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống truyền thanh, thư viện, rạp chiếu phim, sân vận động thể dục thể thao, không gian văn hóa cho sự giao lưu giữa các dân tộc, các cảnh quan thiên nhiên đa dạng, đặc sắc vùng miền. Phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Chính phủ, các địa phương vùng DTTS cần đổi mới mạnh mẽ về chính sách khuyến khích sáng tạo, đưa các giá trị văn hóa đặc sắc, đa đạng của các DTTS thâm nhập vào các hoạt động chính trị, hoạt động kinh tế, hoạt động ngoại giao, hoạt động du lịch, truyền thông... Cần tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để người DTTS tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa một cách thường xuyên, không có sự phân biệt đối xử và chi phí phù hợp.

Bốn là, đổi mới chính sách hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS; tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, truyền bá nhằm xây dựng các sản phẩm văn hóa phi vật thể như ngôn ngữ, lịch sử, văn học, nghệ thật, phong tục tập quán truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng của các DTTS. Khuyến khích việc truyền dạy ngôn ngữ DTTS cho đội ngũ cán bộ, công chức địa phương và thế hệ trẻ người DTTS.

Năm là, đào tạo và cải thiện chế độ đối với cán bộ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa vùng DTTS. Cán bộ văn hóa vùng DTTS cần đạt được đào tạo phù hợp về quyền tham gia vào đời sống văn hóa dựa trên nền tảng có sự am hiểu ngôn ngữ, giá trị, các đặc điểm về tập quán sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng của các DTTS. Mặt khác, để phát huy động lực, khuyến khích đội ngũ cán bộ văn hóa làm việc tại các vùng DTTS cần cải thiện chế độ ưu đãi, cơ hội nghề nghiệp; chẳng hạn, cải cách chế độ phụ cấp, hỗ trợ về đi lại, nhà ở, điều kiện làm việc, khen thưởng và các cơ hội học tập, thăng tiến; nhất là đội ngũ cán bộ làm việc tại các khu vực đặc biệt khó khăn.

Sáu là, tăng cường giám sát và trách nhiệm giải trình đối với việc thực hiện pháp luật, chính sách về văn hóa ở vùng DTTS. Giám sát và giải trình là cấu thành tất yếu của vấn đề bảo đảm các quyền con người cũng như nâng cao khả năng tiếp cận bình đẳng vào các hoạt động văn hóa của các DTTS. Để khắc phục các bất cập hiện hành và tạo nên thay đổi rõ rệt, trước tiên cần luật hóa chế độ trách nhiệm của các chủ thể có nghĩa vụ về vấn đề này. Mặt khác, bên cạnh sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và của ngành văn hóa, cần xây dựng cơ chế mang tính độc lập nhất định trong giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; tạo thuận lợi cho giám sát của các tổ chức quốc tế theo Cơ chế Hiến chương hoặc Cơ chế Công ước đối với các hoạt động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ văn hóa ở vùng DTTS; cơ chế này có thể bao gồm cả việc hỗ trợ xây dựng các báo cáo, ấn phẩm chuyên sâu về bảo đảm quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các DTTS Việt Nam.

TS. Nguyễn Duy Sơn

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

TS. Trần Thị Hòe

Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.