1. Quyền dân tộc tự quyết và quyền con người

Quyền dân tộc tự quyết là tôn trọng nguyên tắc bình đẳng quyền và công bằng về cơ hội và không có sự can thiệp đối với quyền của mỗi dân tộc trong việc tự do lựa chọn chế độ chính trị và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa trên cơ sở chủ quyền quốc gia. Nguyên tắc QDTTQ được tổng thống Hoa Kỳ, Woodrow Wilson (1856-1924), và V. I. Lênin  (1870 – 1924) nêu vào các năm 1918 và 1920.  Đến năm 1945, trong Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), điều 55 khẳng  định: Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc. Quan hệ giữa các dân tộc được xác định trong Hiến chương LHQ chính là quan hệ giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền; trong đó các dân tộc đa số và thiểu số đều bình đẳng để cùng hợp thành một dân tộc - quốc gia và mang tên gọi của đất nước mình. Như vậy, chỉ những dân tộc - quốc gia mới có quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Quyền dân tộc tự quyết chỉ thuộc về nhân dân; tức là tất cả dân cư thường xuyên sinh sống trên lãnh thổ của dân tộc - quốc gia mới là chủ thể của pháp luật quốc tế. Đây là quan điểm phù hợp với Hiến chương, các văn kiện của LHQ và thực tiễn tại các quốc gia trên thế giới hiện nay.1

Do QDTTQ  của dân tộc - quốc gia chỉ thuộc về nhân dân nên QDTTQ có mối quan hệ mật thiết với quyền của nhân dân. Chính vì thế, Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong lịch sử, thông qua Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, đã gắn quyền dân tộc - quốc gia tự quyết với QCN bằng việc kế thừa, phát triển tư tưởng quyền “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi dân tộc - quốc gia; nói cách khác, Hồ Chí Minh đã mở rộng QCN gồm cả QDTTQ. Điều cần nhấn mạnh là trong pháp luật quốc tế, phải đến năm 1966,  Công ước quốc tế về các quyền dân sự , chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế  về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) mới gắn QDTTQ với QCN. Hai công ước ICCPR và ICESCR  ở khoản 1 Điều 1, đều xác định: “1. Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.” Trên cơ sở QDTTQ, Điều 2 của cả hai công ước này đều yêu cầu các quốc gia thành viên phải tôn trọng, bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong hai Công ước.

QDTTQ, bao gồm quyền được tự do định đoạt thể chế chính trị và theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá trong điều kiện thực tế của mình; công nhận quyền sinh kế của một dân tộc không bao giờ bị tước bỏ. Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghĩa vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, mà dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được phép tước đi những phương tiện sinh tồn của một dân tộc. Các quốc gia thành viên hai công ước này, kể cả những quốc gia có trách nhiệm bảo hộ hay giám hộ các lãnh thổ khác, phải tôn trọng và xúc tiến việc thực thi QDTTQ chiếu theo các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc.

Trên cơ sở QDTTQ, Điều 2 ICCPR xác định: Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác. Còn Điều 2 ICESCR thì khẳng định: Mỗi quốc gia thành viên Công ước này cam kết sẽ tiến hành các biện pháp, một cách riêng rẽ và thông qua sự hợp tác giúp đỡ quốc tế, đặc biệt là các biện pháp kinh tế và kỹ thuật, sử dụng tới mức tối đa các tài nguyên sẵn có của mình, nhằm đạt được việc bảo đảm ngày càng đầy đủ các quyền được thừa nhận trong Công ước này bằng mọi biện pháp thích hợp, đặc biệt kể cả việc thông qua những biện pháp lập pháp.

Trong khi pháp luật quốc tế xác định bảo vệ, bảo đảm QCN trên cơ sở trước tiên coi trọng QDTTQ thì trong mấy thập niên gần đây, không ít chính phủ phương Tây lại đưa ra quan niệm  về QCN có tính phổ quát (phổ biến) hết sức trừu tượng. Họ tuyệt đối hoá quyền của mỗi cá nhân, nhất là các quyền dân sự và chính trị. Từ đó họ nhấn mạnh  "quyền con người cao hơn chủ quyền quốc gia", "quyền con người không có biên giới", để phủ nhận quyền của các dân tộc có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, quyền tự lựa chọn con đường phát triển của mình nhằm thực hiện "can thiệp nhân đạo" vào công việc nội bộ của các nước khác.

Không ai có thể phủ nhận một thực tế là QCN - một giá trị phổ quát, có tính toàn cầu, song cũng cần phải khẳng định QCN là một giá trị lịch sử, gắn với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới. Quan niệm của không ít chính phủ phương Tây thiên  về quyền cá nhân và quan niệm của phương Đông thiên về quyền cộng đồng (tập thể) là những quan niệm hết sức khác nhau và do vậy, không thể áp đặt cho nhau.

Câu trả lời là phải có nhận thức đúng về QCN gồm cả quyền cá nhân và quyền cộng đồng đồng thời phải xem xét mối quan hệ có tính lịch sử - cụ thể giữa QDTTQ và QCN nhằm bảo đảm cả quyền cá nhân và cả quyền cộng đồng trong đời sống mỗi dân tộc -  quốc gia và trong đời sống nhân loại.

Trước hết, mối quan hệ khăng khít giữa QDTTQ và QCN

QCN trước hết là quyền cá nhân, song nó cũng là quyền cộng đồng; và quyền cá nhân, quyền cộng đồng  đều được bảo đảm  một cách cụ thể trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở mỗi dân tộc - quốc gia. Do đó, việc bảo đảm QCN cơ bản phải phụ thuộc vào QDTTQ, vì QDTTQ là quyền cộng đồng bao trùm của các cá nhân sinh sống trong một dân tộc - quốc gia. Nếu QDTTQ không được tôn trọng thì QCN với tư cách là quyền của một cá thể, một tập thể riêng rẽ sẽ rất khó được bảo vệ, bảo đảm trong thực tế. Quan điểm này chưa được Woodrow Wilson đề cập trong nguyên tắc giải thể các đế quốc bại trận vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (Áo - Hung, Đức và Ottoman); và cũng chưa được V.I. Lênin xác định rõ trong nguyên tắc bảo đảm quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Nhưng từ sau chiến tranh thế giới thứ hai mối quan hệ khăng khít giữa QDTTQ và QCN càng được thể hiện rõ hơn.

Thứ hai, yếu tố thời đại trong quan hệ  giữa QDTTQ và QCN

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, trong khi ranh giới các dân tộc - quốc gia trở nên mờ nhạt, mong manh, chỉ còn mang tính tương đối thì QCN được đề cao như một giá trị cốt lõi của thời đại. QDTTQ, ở một khía cạnh nào đó phải phụ thuộc vào QCN. Nhưng đồng thời cùng với các quá trình toàn cầu hóa, các dân tộc - quốc gia lớn nhỏ cũng đang “gồng lên” để khẳng định và bảo tồn những gì còn sót lại của bản sắc dân tộc. Do đó, QCN, ở một khía cạnh nào đó, phải phụ thuộc vào QDTQG. Vì thế, mối quan hệ giữa QDTTQ và QCN đang ngày càng phức tạp. Ở khía cạnh này, với điều kiện này, QCN được đề cao là phù hợp, nhưng ở phương diện khác, trong hoàn cảnh khác, việc coi trọng QDTTQ mới là đúng đắn. Do vậy, trong đấu tranh thực hiện QCN và QDTTQ cần phải tính tới những yếu tố có tính thời đại. Đây cũng là một vấn đề có tính nguyên tắc để hiện thực hóa tối đa QCN trong khi vẫn bảo đảm được QDTTQ trong thời đại ngày nay.

Thứ ba, yếu tố thể chế quyền công dân trong quan hệ  giữa QDTTQ và QCN

QCN không đồng nhất với quyền công dân, nhưng quá trình bảo đảm QCN ở mỗi dân tộc - quốc gia cơ bản diễn ra trong khung khổ thể chế quyền công dân tại mỗi quốc gia. Cho dù dân tộc - quốc gia có là thành viên và thực hiện trực tiếp nhiều công ước quốc tế về QCN thì pháp luật quốc tế không thể bao phủ và thể chế hóa đầy đủ các QCN và quyền công dân ở mỗi quốc gia. Và nhìn chung, pháp luật quốc tế đều phải xếp sau Hiến pháp với tư cách là đạo luật gốc của mỗi dân tộc - quốc gia. Vì thế quá trình bảo đảm QTQDT và QCN luôn phải xuất phát từ thể chế quyền công dân hay thể chế chính trị - xã hội của quyền công dân trong mỗi dân tộc - quốc gia. Các dân tộc - quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền và công việc nội bộ của mỗi dân tộc - quốc gia là do quốc gia tự quyết định, không thể có dân tộc - quốc gia nào đó coi thể chế quyền công dân của mình là khuôn mẫu quyền con người “có tính phổ quát” toàn nhân loại để áp đặt cho các dân tộc - quốc gia khác.

2. Bảo đảm quyền dân tộc tự quyết gắn với quyền con người ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, việc thực hiện QDTTQ gắn với QCN chủ yếu diễn ra dưới chính thể dân chủ - cộng hòa và cộng hòa xã hội chủ nghĩa từ năm 1945 trở lại đây. Các bản Hiến pháp, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, đều nhất quán dựa trên nguyên tắc bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Chẳng hạn Hiến pháp năm 1946 dựa trên ba nguyên tắc nền tảng được nêu trong Lời nói đầu là: đoàn kết toàn dân, bảo đảm các quyền tự do dân chủ, thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Hiến pháp năm 1992, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, ở Điều 50, đã dùng thuật ngữ “quyền con người” cùng với thuật ngữ quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 đã phân biệt rõ hơn QCN và quyền công dân; công nhận một số lượng lớn quyền con người (36 quyền ở Chương II và một số quyền khác ở Chương III) là quyền hiến định. Hiến pháp này chế định chế độ chính trị - một nội hàm cốt lõi của QDTTQ - ở Chương I và  liền ngay sau đó là QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở Chương II, nhằm khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa QDTTQ và QCN trong đạo luật gốc ở Việt Nam. Qua đó Hiến pháp đặt trọng tâm trách nhiệm của chế độ chính trị ở Việt Nam là bảo vệ, bảo đảm QCN, quyền công dân.

Quá trình phát triển của các bản Hiến pháp cho thấy, công tác bảo vệ, bảo đảm QCN, quyền công dân ở Việt  Nam đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến bước theo con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ 1945-1954 (và ở miền Nam đến 1975), với định hướng phát triển lên CNXH, mục tiêu độc lập dân tộc được đặt lên hàng đầu, tức là ưu tiên thực hiện QDTTQ. Trong thời kỳ này, công tác bảo đảm QCN mới tập trung vào bảo đảm quyền của các cộng đồng nền tảng (quyền tập thể) trong xã hội là giai cấp nông dân, công nhân và những người lao động khác. Trong đó, một biện pháp cơ bản là thực hiện “người cày có ruộng”, mà thực chất là thực hiện QCN cho quảng đại  nhân dân tại một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Việc tập thể hóa nông nghiệp và quốc hữu hóa những ngành công nghiệp chính là nhằm đem lại quyền sở hữu những tư liệu sản xuất chính yếu cho người lao động làm cơ sở để bảo đảm các QCN khác.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Tuy nhiên, do trình độ phát triển kinh tế còn thấp, lại duy trì cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp quá dài và với sự tác động của chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Nam nên trong việc giải quyết mối quan hệ giữa QDTTQ và QCN cơ bản vẫn ưu tiên QDTTQ và  tập trung vào bảo đảm quyền tập thể.

Trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), việc giải quyết mối quan hệ giữa QDTTQ và QCN là nhằm bảo đảm QCN, cả quyền cá nhân và quyền tập thể, phù hợp với pháp luật quốc gia và quốc tế, trước hết là pháp luật quốc tế về QCN, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế.

Không phủ nhận rằng hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với không ít những khó khăn, thách thức trong bảo vệ, bảo đảm QCN, như: sự gia tăng phân hóa giầu nghèo tác động tiêu cực đến quyền của người nghèo; tình trạng quan liêu, tham nhũng chưa được đẩy lùi làm hạn chế trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ, bảo đảm QCN; “lợi ích nhóm” đang có nguy cơ lấn át lợi ích xã hội và sự bộc lộ của chủ nghĩa cá nhân cực đoan là thách thức lớn đối với việc bảo vệ, bảo đảm quyền cá nhân và quyền cộng đồng chân chính. Việc nhận thức rõ những hạn chế, thách thức đó để có giải pháp, biện pháp thiết thực, kịp thời nhằm nâng cao và củng cố thành tựu bảo đảm QCN đồng thời cũng là nhằm không ngừng củng cố năng lực nội sinh trong bảo vệ, bảo đảm QDTTQ hiện nay.

Để giải quyết bền vững và hiệu quả mối quan hệ giữa QDTTQ và QCN trước tác động của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cần nắm vững một số định hướng sau:

Một là, trong bảo vệ, bảo đảm QDTTQ và QCN phải ưu tiên bảo vệ, bảo đảm QDTTQ phù hợp với khoản 1, Điều 1 của hai công ước quốc tế cơ bản về quyền con người năm 1966.

Hai là, kịp thời nhận rõ, đồng thời giải quyết thiết thực, hiệu quả trong thực tiễn những vấn đề mới đang đặt ra trước QDTTQ và QCN, xuất phát từ thành tựu đã đạt được cũng như phát sinh từ sai lầm, thiếu sót trong thực tiễn. Một mặt, hiện nay trước tác động của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không chủ động, tích cực hội nhập vào thể chế khu vực và thế giới thì QDTTQ sẽ bị xâm phạm, trước tiên bởi công nghệ số. Ví dụ: nếu Việt Nam không chủ động và mạnh dạn hội nhập vào công nghệ số, nhất là đi trước trong phát triển công nghệ và thiết bị của mạng 5G, thì rất khó, thậm chí không chủ động trong việc bảo vệ, bảo đảm an toàn, an ninh mạng nói riêng và QDTTQ cũng như QCN trong công nghiệp 4.0 và cách mạng số nói chung. Mặt khác, nếu không tích cực giảm phân cực giàu nghèo, đẩy mạnh chống tham nhũng và quan liêu  thì quyền của đa số người dân bị xâm hại. Để có những quyết sách như vậy, phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện; trong đó cần nghiêm túc nhìn nhận những sai lầm, thiếu sót về lý luận và thực tiễn trong bảo vệ, bảo đảm QDTTQ và QCN.

Ba là, thực hiện QDTTQ và QCN tương thích với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là đang đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và phù hợp với thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN.  Trong đó, phải coi trọng việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhằm xác định rõ trách nhiệm pháp lý của các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội trong việc bảo vệ, bảo đảm QDTTQ và QCN; đồng thời xử lý nghiêm minh mọi hành vi xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân và xâm hại quyền lợi hợp pháp của dân tộc - quốc gia.

Bốn là, bảo vệ, thực hiện QDTTQ và QCN ở Việt Nam hiện nay phải song hành với chủ động, tích cực đối thoại, đấu tranh phòng - chống những quan điểm, hành động của tổ chức, hành vi của cá nhân trong việc xuyên tạc, kích động chống phá chế độ chính trị - xã hội vốn là hàm nghĩa cốt lõi của QDTTQ; đồng thời tăng cường tuyên truyền, cả trong nước và quốc tế về lập trường, quan điểm đúng đắn của Việt Nam trong bảo vệ, bảo đảm QDTTQ và QCN phù hợp với pháp luật quốc gia và quốc tế trong điều kiện hiện nay.

-----------

Tài liệu tham khảo

1. Ngô Huy Cương (2005), Chủ quyền quốc gia, những luận điểm cơ bản và một số vấn đề liên quan, Nxb. chính trị quốc gia.

2. Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, Khoa Quan hệ quốc tế - Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013.

3. Nguyễn Thanh Tuấn (chủ biên), Quyền con người trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, tr.210 – 220,...

4. Nguyễn Đức Thắng (2007), Thực chất của luận thuyết nhân quyền cao hơn chủ quyền, tapchicongsan.org.vn, (truy cập ngày 13/9/2019).

PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuấn

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh