1. Phân tầng xã hội và một số vấn đề xã hội trong bảo đảm quyền con người trong quá trình phát triển ở Việt Nam.

Theo quan niệm của nhiều nhà khoa học, tầng xã hội là một tập hợp người hay tổng thể những cá nhân có cùng đặc trưng, điều kiện kinh tế, xã hội được sắp xếp theo một trật tự thang bậc nhất định. Phân tầng xã hội (PTXH) là sự phân chia xã hội thành những tầng, lớp khác nhau. Trong đó, mỗi người, mỗi chủ thể ở mỗi tầng khác nhau thì khác nhau về địa vị kinh tế (hay tài sản); địa vị chính trị (hay quyền lực); địa vị xã hội (hay uy tín). Tổng thể những yếu tố này đã phân chia người ta vào một trong những tầng xác định ở một địa phương, khu vực hay một xã hội xác định nào đó.

PTXH là cách mà xã hội phân chia người ta dựa trên những yếu tố của sự bất bình đẳng. PTXH càng cao, bất bình đẳng xã hội càng lớn. Mâu thuẫn và xung đột xã hội càng dễ có nguy cơ bùng phát, quyền con người (QCN) dễ bị vi phạm, nếu nhà nước không có biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Trong xã hội loài người, từ khi có phân chia giai cấp và xuất hiện nhà nước, PTXH và phân hóa giàu nghèo (PHGN) đã xuất hiện. Dựa vào tỷ lệ hộ giàu, trung bình, nghèo, người ta phân chia thành những mô hình phân tầng khác nhau. Thông thường, có mô hình phân tầng hình chóp, hình quả trám và hình e-líp. Ở đây, mức bất bình đẳng xã hội được đo bằng sự khác biệt về kinh tế, chính trị, xã hội giữa các tầng. Trong đó, thông thường, các nhà nghiên cứu thường so sánh giữa 10% hộ giàu ở tốp đỉnh với 10% hộ nghèo ở tốp đáy được coi như sự bất bình đẳng xã hội cần phải chú ý. Bên cạnh đó cần xem có bao nhiều phân trăm hộ dân cư sống ở mức trung bình và trung bình khá và mức này so với chỉ số phát triển trung bình của thế giới thế nào. Đây là cơ sở quan trọng để nhìn nhận mô hình PTXH, sự bất bình đẳng xã hội và định hướng điều chỉnh, giải quyết.

Dựa trên cách thức tiếp cận phân tầng trên, một số nhà nghiên cứu đã đưa ra những mô hình khác về phân tầng như: Phân tầng đóng, phân tầng mở, phân tầng hợp thức và phân tầng không hợp thức. Ở đây, phân tầng đóng là mô hình phân tầng mà sự dịch chuyển của các cá nhân giữa các tầng là khó. Người ở tầng thấp không thể vươn lên vị trí của những người ở tầng cao, dù cho người đó có những điều kiện kinh tế, xã hội thế nào. Xã hội có phân tầng đóng thường là những xã hội lạc hậu, kém phát triển. Những xã hội này phần nhiều bị chi phối bởi những hệ tư tưởng dân tộc, tôn giáo cực đoan. QCN trong những xã hội này thường ít được quan tâm. Nhiều QCN về cả dân sự và chính trị cũng như quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của những người ở tầng thấp, nhất là tầng đáy thường bị thủ tiêu hoặc vi phạm nhiều. Còn những xã hội có phân tầng mở, là những xã hội thường được tổ chức theo những thể chế dân chủ, QCN được bảo đảm hơn về cả, dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Sự dịch chuyển của bất kỳ cá nhân nào trong xã hội đều dễ dàng khi họ tích lũy đủ những điều kiện kinh tế - xã hội cho sự chuyển dịch tầng của mình.

Ngoài ra, phân tầng cũng có thể được xem xét dưới góc độ hợp thức hoặc không hợp thức. Ở đây, sự hợp thức của phân tầng được thực hiện dựa trên những yếu tố cả chủ quan và khách quan, khi con người được xếp vào một tầng xác định. Tuy nhiên, chỉ trong những xã hội thật sự dân chủ, công khai, minh bạch với những chuẩn mực giá trị được xác định rõ ràng, chính xác, được kiểm soát bởi cả nhà nước và cộng đồng thì mới phân định được. Còn không, đây chỉ là cách phân tầng mang nặng tính chủ quan, duy ý chí. QCN trong những xã hội này thường bị vi phạm, ít nhiều mang tính “vô thức” và thường được thực hiện dưới danh nghĩa những quy chuẩn xã hội hợp thức nào đó.

Trong thời kỳ bao cấp, tuy PTXH và PHGN không được thừa nhận song thực tế, cách phân chia những lợi ích mà xã hội có được đã tạo ra tầng. Người ở vị trí cao, có lịch sử cống hiến nhiều, có mức hưởng thụ cao hơn những người lao động bình thường khác vài ba lần. Chế độ phân phối sản phẩm xã hội theo cấp bậc, chức vụ và theo tem phiếu ít nhiều cho thấy rõ điều đó. Tuy nhiên sự PTXH và PHGN đã không được xã hội nhìn nhận như một thực tế. Quan điểm của Chủ nghĩa xã hội mô hình cũ, đã không chấp nhận PTXH và PHGN. Do vậy, trong thời kỳ bao cấp, phân tầng chỉ tồn tại dưới dạng tiềm ẩn. Chính sách phân phối bình quân và chủ trương xóa bỏ triệt để mọi hình thức bóc lột đã làm cho sự PTXH và PHGN cơ bản được kiểm soát. Xã hội không có người giàu. Phần lớn dân cư có mức sống trung bình và thấp. Thực chất, đây là một kiểu tổ chức xã hội trong thời kỳ có chiến tranh. Nó cho phép xã hội huy động tối đa các nguồn lực cho kháng chiến. Những khó khăn, thiếu thốn về vật chất được khắc phục bởi chủ nghĩa yêu nước và lý tưởng xây dựng xã hội mới - xã hội Cộng sản chủ nghĩa trong mỗi con người và trên bình diện toàn xã hội. Sức mạnh tinh thần, thực tế đã được khuyến khích và phát triển ở mức cao. Sự cố kết cộng đồng được tăng cường. Đoàn kết xã hội được củng cố vững chắc. Lợi ích đơn lẻ của từng cá nhân - nhóm nhỏ được đặt dưới lợi ích của cả cộng đồng, dân tộc - nhóm lớn.

Trên cơ sở này, xã hội tập trung cao độ sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc cho kháng chiến. Lợi ích cá nhân thường phải phục tùng lợi ích tập thể. QCN, với tư cách là quyền lợi của mỗi cá nhân thường phải đặt dưới quyền của các nhóm và cộng đồng xã hội. Nhìn từ góc độ thể chế, có thể thấy, cơ chế tổ chức, quản lý xã hội thời kỳ bao cấp đã phần nào đó thủ tiêu động lực cá nhân. Lợi ích vật chất của từng cá nhân không được chú ý đầy đủ. Quan hệ giữa các giai tầng xã hội và giữa mỗi con người với nhóm xã hội, cộng đồng xã hội bị đơn giản hóa. Quy luật giá trị và quan hệ hàng hóa tiền tệ không được chú ý và vận dụng. Do vậy, quan hệ giữa người với người, hoặc giữa các nhóm, tầng lớp xã hội bị hành chính hóa. Đây là tình trạng tồn tại khá lâu dài, vượt qua cả thời kỳ chiến tranh, khiến cho quan hệ xã hội giữa các giai tầng không chỉ bị bị hành chính hóa mà còn bị quan liêu hóa. Điều này làm xuất hiện không ít tiêu cực xã hội như: Tình trạng cửa quyền, quan liêu, thiếu năng động đã làm mất động lực sáng tạo ở cả nhà quản lý lẫn người lao động. Tình trạng sách nhiễu, tham ô, lãng phí,... lâu dần xuất hiện. Xã hội dần dần bị đẩy vào giai đoạn trì trệ, xơ cứng, ít có khả năng chuyển đổi để phát triển. Đây chính là thời kỳ mà không ít quyền của con người bị vi phạm. Nhân danh lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng để thu hẹp lợi ích cá nhân.

Trong khi, nếu lợi ích cá nhân không được quan tâm đầy đủ thì lợi ích của tập thể, của cộng đồng cũng khó được chăm lo và phát triển với tất cả những tiềm năng vốn có của nó. Thực tế, những khó khăn về kinh tế xã hội thời bao cấp đã chứng minh cụ thể, rõ ràng về sự cản trở các quyền của cá nhân con người trong cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Quyền có việc làm, thu nhập và chăm lo đời sống tuy được bảo đảm bằng chủ nghĩa bình quân trong phân phối việc làm và trong phân chia sản phẩm xã hội. Nhưng chính sự phân phối bình quân này đã vi phạm quyền của của những người lao động tích cực, có sáng kiến, có hiệu quả. Nó tạo nên sự lãng phí và sự thờ ơ của người lao động với những kết quả sản phẩm của mình và của cả xã hội. Trong những điều kiện này, quyền tự do cư trú, quyền hưởng thụ các thành tựu văn hóa xã hội khác cũng khó có điều kiện thực hiện đầy đủ. Vì vậy, dưới nhiều góc độ, QCN, thực tế, đã bị hạn chế. Song cũng cần phải thấy rằng, cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp là cơ chế tổ chức xã hội của thời kỳ chiến tranh. Kéo dài cơ chế quản lý này trong thời kỳ hòa bình xây dựng, mới là điều phải phê phán. Quy luật của thời kỳ chiến tranh khác với quy luật trong thời kỳ hòa bình, xây dựng. Ở đây, việc vận dụng và thực hiện QCN trong những hoàn cảnh đặc biệt phải chú ý. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc mà ngay cả pháp luật quốc tế về QCN cũng đã xác nhận.

Từ khi mở cửa, đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường (KTTT), PTXH và PHGN được nhìn nhận lại. Tuy nhiên, KTTT ở nước ta là KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, đây là nền KTTT có điều tiết, có kiểm soát. PTXH và PHGN cũng cần được kiểm soát theo chiều hướng tích cực.

Theo thống kê, từ khi đổi mới đến nay, PHGN ở Việt Nam đang có chiều hướng doãng ra. Nếu bắt đầu đổi mới phân hóa giữa 10% hộ nghèo nhất với 10% hộ giàu nhất chỉ 2-3 lần thì hiện nay, mức chênh lệch này đã tới hàng chục lần. Bất bình đẳng xã hội có xu hướng gia tăng, nhất là giữa nhóm xã hội nông thôn và nhóm xã hội thành thị; giữa cán bộ, nhà doanh nghiệp và người lao động; giữa người nông dân mất đất và người chủ sử dụng đất; giữa cộng đồng cư dân ở thành phố, thị xã, vùng thấp với cộng đồng cư dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Trên thực tế, PTXH và PHGN đang diễn ra không đều giữa các nhóm và cộng đồng xã hội. Nó đang tạo thêm bất bình đẳng xã hội giữa cư dân nông thôn và thành thị, giữa các nhóm xã hội nghề nghiệp, dân tộc, vùng miền,... Một điều tra xã hội học vào đầu thập kỷ 90/XX của Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, cứ 100 hộ gia đình có làm ăn, buôn bán thì có 16% được đánh giá là khá giả; trong cán bộ công chức nhà nước tỉ lệ này là 6%; còn điều tra những hộ lao động khác thì tỉ lệ này chỉ dưới 2%. Điều này cho thấy PHGN đang không đều giữa các nhóm xã hội. Yếu tố tác động tới hiện trạng này có nhiều, song 3 yếu tố quan trọng nhất là: Tri thức; khả năng tiếp cận thị trường; vốn và thông tin mà họ có được từ hệ thống quyền lực xã hội. Ngoài ra, những yếu tố khác như trình độ học vấn, vốn xã hội, vùng sinh sống, tuổi, nghề nghiệp, giới tính, dân tộc,... cũng phần nào ảnh hưởng đến mức PTXH , PHGN giữa các tầng lớp dân cư trong KTTT.

Như vậy là, PTXH, PHGN đã làm tăng quy mô và mức độ các bất bình đẳng xã hội. QCN về cả dân sự, chính trị và kinh tế, văn hóa, xã hội đều có nguy cơ bị vi phạm. Điều chỉnh PTXH và PHGN, định hướng tới CNXH là yếu tố quan trọng bảo đảm QCN trong điều kiện này.

Để điều chỉnh PTXH, PHGN, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích làm giàu chính đáng đồng thời xóa đói, giảm nghèo, điều chỉnh bất bình đẳng xã hội.

Với khuyến khích làm giàu, Đảng đã bắt đầu từ đổi mới tư duy, xóa tư duy cũ, kỳ thị người giàu. Ở đây, khi chuyển sang KTTT, cùng với việc nhận thức lại về CNXH, quan niệm về giàu, nghèo đã bước đầu thay đổi. Giàu, nghèo được coi là hiện tượng tất yếu phải chấp nhận khi chấp nhận KTTT. Do vậy, chủ trương của Đảng là khuyến khích làm giàu, miễn đấy là làm giàu chính đáng, làm giàu do tài năng, do sáng kiến, do đổi mới kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất - làm giàu hợp pháp. Điều này đưa đến việc phải chấp nhận sự “bóc lột” còn tồn tại ở một mức độ nào đó trong xã hội như một sự trả công cao thích đáng cho nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà sở hữu tư liệu sản xuất, tài sản... Tuy nhiên, song song với khuyến khích làm giàu chính đáng, phải đấu tranh chống làm giàu bất hợp pháp, làm giàu do buôn gian, bán lận, do tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu dân mà có. Thực tế, trong hơn ba mươi năm đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán thực hiện những chủ trương, đường lối, chính sách đúng nhằm khuyến khích làm giàu chính đáng. Trước hết, là việc thừa nhận các thành phần kinh tế được bình đẳng trước pháp luật. Nhờ vậy, thành phần kinh tế tư nhân ngày càng tăng và đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế, xã hội. Tỉ lệ hộ giàu ngày càng cao. Xã hội không còn kỳ thị với người giàu. Nhiều người giàu chính đáng do làm ăn giỏi được tôn vinh. Một số giàu bất chính bị điều tra, xử lý. QCN trên nhiều lĩnh vực như: Sản xuất, kinh doanh, việc làm, tiếp cận thông tin, hưởng thụ các thành tựu văn hóa khoa học công nghệ và chăm sóc con người trong những nhóm xã hội yếu thế được quan tâm, chú ý, thực hiện ngày càng tốt hơn. Đây là những tiến bộ đáng ghi nhận trong phát triển xã hội ở nước ta trong thời kỳ đổi mới vừa qua.

Song song với việc khuyến khích làm giàu, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện hàng loạt các chủ trương, chính sách nhằm xóa đói giảm nghèo, điều chỉnh PTXH và PHGN. Cụ thể, đã đề ra và thực hiện Chiến lược Giảm nghèo Quốc gia. Bắt đầu từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, chính sách xóa đói giảm nghèo được thực hiện. Từ chỗ, Việt Nam được thế giới đánh giá là một nước nghèo với 58% số hộ thì đến nay, số hộ nghèo chỉ còn 5,53%. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập đầu người ở mức trung bình thấp. Tuy nhiên, giảm nghèo ở Việt Nam vẫn chưa vững chắc. Hiện tại, đa số hộ nghèo vẫn tập trung ở vùng nông thôn, nhất là nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Một bộ phận nông dân mới thoát nghèo, nhưng chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh, thị trường nông sản biến động,... là nhiều người lại rơi vào nhóm nghèo. Đấu tranh xóa đói giảm nghèo đang là bài toán còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, ở nông thôn, do điều kiện chăm sóc y tế, xã hội chưa cao, dân trí thấp, tiếp cận thị trường kém; tình trạng thiếu việc làm cao, lao động ít được đào tạo... Tất cả đang làm cho cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo ở nông thôn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Chính những điều này khiến Nhà nước, trong nhiều năm qua đã thực hiện không ít chương trình mục tiêu như Chương trình 135-CT/CP; 134-CT/CP, chương trình phủ xanh đất trồng, đồi núi trọc,... được thực hiện. Hàng chục ngàn tỷ đồng đã được Nhà nước đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện điều kiện sống, xóa đói giảm nghèo. Đây là kết quả của những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Đây là những thành quả giúp cho việc bảo đảm QCN được quan tâm thực hiện có kết quả trên thực tế.

2. Điều chỉnh phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo, bảo đảm quyền con người, phát triển xã hội bền vững trong điều kiện hiện nay.

Như trên đã phân tích, khi phân tầng xã hội không hợp thức, không phù hợp với cơ cấu kinh tế và cơ cấu thành phần kinh tế thì xã hội sẽ phát sinh tiêu cực. Thời bao cấp, quan niệm cứng nhắc về cơ cấu xã hội, quy cơ cấu xã hội (CCXH), chủ yếu, về CCXH giai cấp, thì chủ nghĩa thành phần nảy sinh. Có những người, nhất là những người có tri thức, có khả năng quản lý không được sử dụng đúng tiềm năng và khả năng của họ. Người giàu, kể cả giàu chính đáng cũng bị kỳ thị, xa lánh. Tiềm năng kinh tế, xã hội của những nhóm người này không được phát huy, bị lãng phí. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến động lực cá nhân, khiến tính tích cực lao động và tính tích cực xã hội ở mỗi con người suy giảm; sáng kiến không được phát huy và sử dụng hiệu quả. Sản xuất xã hội dần dần trì trệ; năng suất lao động không cao, chủ nghĩa bình quân nặng, nghèo đói có nguy cơ lan rộng.

Chủ nghĩa bình quân, trên danh nghĩa, không thừa nhận sự PTXH, PHGN, nhưng thực tế lại chỉ bình quân sự nghèo đói. Ở một góc độ khác, căn cứ vào địa vị chính trị, xã hội mà người ta được xếp vào theo một hệ thống hành chính, quan liêu, bao cấp đã xác định, việc phân phối sản phẩm xã hội đã tạo nên sự phân tầng, phân hóa mới. Nguyên tắc phân phối theo lao động, trong nhiều trường hợp, không được tôn trọng và thực hiện đầy đủ. Điều này làm cho một số QCN, nhất là quyền về kinh tế không được thực hiện. Động lực và tính cơ động xã hội của một bộ phận dân cư, nhất là những nhóm xã hội có ít nhiều tài sản, tri thức, bị hạn chế nhiều. Đây là những yếu tố rất cần chú ý trong quản lý xã hội, thời kỳ CNXH hành chính, bao cấp, đã tác động không ít đến việc bảo đảm thực hiện QCN.

tang-bo

Đảng và Nhà Nước ta hết sức quan tâm đến công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Nguồn:baotintuc.vn

Chuyển sang KTTT, đổi mới, nhiều quan niệm cũ không phù hợp của CNXH, nền hành chính, quan liêu, bao cấp được thay đổi. PTXH và PHGN được điều chỉnh theo đúng quy luật hơn. Sự thay đổi của cơ cấu kinh tế và cơ cấu thành phần kinh tế đã kéo theo sự thay đổi của CCXH và PTXH. Từ một xã hội chỉ có hai giai cấp, một tầng lớp, đến nay, xã hội Việt Nam đã có 4 giai tầng xã hội. PTXH và PHGN được thừa nhận và tác động tích cực đến tính cạnh tranh; làm cạnh tranh lành mạnh phát triển. Tuy nhiên, sự thay đổi của PTXH và PHGN đã có những tác động tiêu cực tới xã hội.

Thứ nhất, mở cửa, đổi mới, chuyển sang KTTT, đây là bước tiến cho sự phát triển, tiến bộ, hội nhập với cộng đồng thế giới, nhưng là bước lùi so với những mục tiêu có tính lý tưởng mà CNXH phải đạt tới. Khi xã hội xuất hiện tầng lớp tư sản - các nhà doanh nghiệp, xã hội đã xuất hiện bộ phận giai cấp công nhân làm thuê. Bóc lột lao động, chiếm đoạt giá trị thặng dư chưa thể hoàn toàn xóa bỏ, chính là tất yếu xã hội mà KTTT phải có. Nhưng điều tiết thế nào? Mức điều tiết ra sao để định hướng tới CNXH là điều không dễ xác định. Thực tế, những năm đổi mới vừa qua cho thấy rằng, khi chuyển sang KTTT, dù là thị trường định hướng tới CNXH, song do bản chất kinh tế, không ít chủ doanh nghiệp vẫn coi lợi nhuận tối đa là mục tiêu các hoạt động kinh doanh, sản xuất của mình. Do vậy, một bộ phận không nhỏ công nhân và người lao động chỉ sống với mức sống tối thiểu. Trong khi đó, điều kiện lao động, vệ sinh và an toàn lao động ở nhiều nơi còn chưa đảm bảo. Bảo hiểm xã hội với một bộ phận người lao động còn chưa tiếp cận được. Công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất vẫn là nhóm xã hội đang chịu nhiều thiệt thòi. Ngoài ra, do chạy theo lợi nhuận, việc bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm vẫn chưa được một số doanh nghiệp, công ty quan tâm đầy đủ. Đây là những vấn đề xã hội mà nếu nhìn dưới quan điểm về nhóm xã hội giai cấp, sẽ thấy còn không ít bất bình đẳng xã hội đang tồn tại hiện nay. Đây chính là những vấn đề rất đáng quan tâm khi bảo đảm thực hiện các quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa của giai cấp công nhân, nông dân và người lao động hiện nay.

Ở nông thôn, từ khi chuyển sang KTTT, mở cửa, đổi mới, quá trình chuyển hoá mục đích sử dụng đất làm cho một bộ phận nông dân bị thu hẹp đất. Bộ phận này tuy có được đền bù một số lượng không nhỏ tiền, nhưng mất đất không song song với việc đào tạo nghề, tìm việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài. Do vậy, nghèo hoá bắt đầu xuất hiện ở một số vùng nông thôn Việt Nam nhất là ở những vùng CNH, HĐH diễn ra nhanh; Các cấp chính quyền và cộng đồng lại chưa có kế hoạch đủ dài, đầy đủ để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ở một số nơi, xảy ra xung đột xã hội.

Thứ hai, PTXH và PHGN xuất hiện và gia tăng, đang có nguy cơ đưa đến phân cực xã hội. Trước hết, đó là việc ngày càng tách rời giữa thành thị và nông thôn. Trong đó, ở các vùng nông thôn, hộ nghèo chiếm tới 90%, tỉ lệ hộ giàu thấp, có vùng chỉ vài phần trăm. Ngược lại, ở thành phố, tỷ lệ hộ giàu đông. Hộ nghèo (như ở Hà Nội cũ), chỉ dưới 1%. Điều này đưa đến sự phân cực xã hội - nguy cơ của những xung đột xã hội nếu không kịp thời điều chỉnh. Đây cũng là yếu tố đang tạo ra những điều kiện không thuận lợi cho việc bảo đảm các QCN.

Ngoài ra, chính ngay trong nội bộ từng vùng, tình trạng giàu nghèo cũng đang có nguy cơ đưa đến bất bình đẳng và xung đột giữa các nhóm xã hội. Ví dụ, ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, PTXH và PHGN không đều có thể khiến mâu thuẫn sắc tộc gia tăng. Một bộ phận dân cư người dân tộc ít người, do thiếu vốn, thiếu tri thức thị trường, thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu trình độ chuyên môn kỹ thuật nên thường chiếm đa số hộ nghèo. Ngược lại, người dân tộc đa số, do có nhiều ưu thế hơn, thường là những hộ giàu, khá giả. Trong điều kiện đó, nếu không tuyên truyền, giải thích để mọi người hiểu được những tất yếu mà KTTT mang lại thì rất dễ đưa đến mâu thuẫn và xung đột xã hội giữa người thuộc dân tộc đa số và người thiểu số, nhất là những người thiểu số thiếu đất sản xuất và môi trường sinh kế tự nhiên. Mâu thuẫn và xung đột xã hội, trong những điều kiện này, ngày càng có nguy cơ bùng phát. Các QCN càng khó được bảo đảm trong những điều kiện PTXH và PHGN ngày càng gia tăng. Đây là cơ sở để có định hướng chính sách phù hợp về thực hiện QCN cho những nhóm xã hội yếu thế trong điều kiện phát triển KTTT định hướng XHCN hiện nay ở nước ta mà chúng ta đã, đang và tiếp tục thực hiện.

Hiện tại, PTXH, PHGN đang diễn ra không đều giữa các nhóm xã hội; trong đó, có thể thấy, giữa các nhóm cán bộ lãnh đạo quản lý đương chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý đã về hưu; giũa cán bộ, đảng viên thường và cán bộ, đảng viên là cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt; giữa cán bộ lãnh đạo cấp trên và cán bộ cấp dưới; giữa cán bộ các tổ chức Đảng, cán bộ các đoàn thể xã hội và cán bộ chính quyền, lãnh đạo doanh nghiệp; Cuối cùng là giữa nhóm cán bộ lãnh đạo, đảng viên suy thoái và một bộ phận người dân... Tất cả những khác biệt trong PTXH, PHGN đang tạo ra những những bất bình đẳng xã hội có nguy cơ gia tăng trong không ít các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chỉ tính riêng tác động của PTXH và PHGN trong giáo dục, y tế, trong hưởng thụ các sản phẩm văn hoá, tinh thần ở thời kỳ đổi mới, mở cửa, đã cho thấy, QCN của các nhóm xã hội yếu thế đã bị tác động thế nào trong quá trình chuyển sang KTTT, mở cửa, đổi mới. Ví dụ, chỉ tính riêng mức hưởng thụ về dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, tính theo chi phí sử dụng thuốc, hằng năm, cư dân ở các thành phố lớn có mức sử dụng gấp nhiều lần so với cư dân nông thôn, nhất là nông thôn ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Tương tự như vậy, ở thành phố, có nơi, người dân đi dưới 300 mét có thể đến một dịch vụ y tế để khám chữa bệnh hoặc tư vấn, còn ở nông thôn phải đi trung bình 3 – 5 km mới tiếp cận được dịch vụ y tế như vậy.

Rõ ràng, PTXH và PHGN đang tạo ra sự cách biệt khá lớn về mức hưởng thụ một số dịch vụ xã hội, nhất là dịch vụ giáo dục, y tế, văn hoá... PTXH và PHGN trong những chừng mực nhất định còn đưa đến tình trạng phân biệt giữa cán bộ và nhân dân. Ở một mặt nào đấy, PTXH, PHGN đang tạo ra sự cách biệt về mức sống, lối sống, khả năng lựa chọn phương thức sống. Điều này đã ảnh hưởng phần nào đến tính cố kết cộng đồng. Thực tế, KTTT và những tác động trái chiều của nó đã làm cho sự cố kết cộng đồng suy giảm. Tuy tính tích cực lao động được phát huy, nhưng ở một góc độ nào đó, chủ nghĩa cá nhân có nguy cơ phát triển. Những tiêu cực xã hội như tham nhũng, hối lộ, buôn bán gian lận, lối sống chạy theo đồng tiền đang có nguy cơ phát triển. Đây là những yếu tố làm khó khăn thêm cho việc bảo đảm QCN ở nước ta hiện nay; song đây cũng là cơ sở để định hướng chính sách và hoàn thiện pháp luật cho việc hạn chế những tác động tiêu cực của PTXH và PHGN nhằm thực hiện có hiệu quả QCN trong điều kiện KTTT định hướng XHCN.

PGS,TS Nguyễn Chí Dũng

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh