Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Một trong các yếu tố đặc trưng quyết định bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Chính vì vậy, Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên đã khẳng định nghĩa vụ của Nhà nước pháp quyền Việt Nam là: “...Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Hiện nay, trong Chiến lược cải cách tư pháp, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý và quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, Chiến lược cải cách tư pháp cũng xác định lấy Tòa án là trung tâm, hoạt động xét xử là trọng tâm và tranh tụng là khâu đột phá. Đây được xem là bước phát triển mới trong tư duy lý luận về vị trí, vai trò của Tòa án - thiết chế quyền lực quan trọng trong việc thực thi công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Từ những nguyên tắc hiến định về vị trí của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tầm quan trọng của Tòa án, việc nghiên cứu cơ sở pháp lý, quyền và trách nhiệm của nền tư pháp độc lập có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực và hiểu quả của Nhà nước pháp quyền trong việc bảo vệ quyền và các tư do cơ bản của công dân ở Việt Nam hiện nay.
Với mục đích cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền con người thông qua Nhà nước pháp quyền và nền tư pháp độc lập, Quỹ Hợp tác Pháp luật Quốc tế (IRZ), thuộc Bộ Tư pháp Cộng hòa Liên bang Đức phối hợp với Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: Bảo đảm quyền con người thông qua Nhà nước pháp quyền và nền tư pháp độc lập vào tháng 11-2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia am hiểu sâu sắc về quyền con người, nhà nước và pháp luật, các thẩm phán, luật sư của Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam.
Trên cơ sở những bài tham luận của các chuyên gia Đức và Việt Nam trình bày tại Hội thảo, Ban tổ chức tập hợp và biên soạn thành cuốn sách Bảo đảm quyền con người thông qua Nhà nước pháp quyền và nền tư pháp độc lập - Kinh nghiệm Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam.