Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho học tập và thành công sau này của trẻ.
Trong hai ngày 25 và 26/3, tại Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu, Tổ chức Giáo dục và tư vấn Faros Consulting tổ chức Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2023 với chủ đề “Giáo dục mầm non Việt Nam–Tái định nghĩa và chuyển mình thay đổi”.
Hội thảo đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo dục từ Anh, Mỹ, Australia, Pháp, New Zealand, Nhật Bản, Việt Nam… cùng trao đổi, thảo luận về các lý thuyết, cách tiếp cận trong nghiên cứu về trẻ em và giáo dục mầm non. Các đại biểu đã cung cấp các khía cạnh đa chiều trong nghiên cứu về tâm lý trẻ; vai trò của cha mẹ trong giáo dục mầm non; chương trình giáo dục ở trường mầm non phát triển toàn diện thể chất và tinh thần cho trẻ…
Hội thảo tập trung vào các nhóm chủ đề chính gồm: Sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên và trẻ em; Đổi mới sáng tạo trong giáo dục mầm non gồm: ngôn ngữ, trò chơi, nghệ thuật, công nghệ; Đổi mới trong đào tạo giáo viên mầm non…
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Minh Đức cho biết: Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho học tập và thành công sau này của trẻ. Do vậy, phát triển giáo dục mầm non, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc chia sẻ thành tựu nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển giáo dục mầm non giữa các quốc gia là đòi hỏi tất yếu, mạnh mẽ của xã hội. Các đơn vị đào tạo, nghiên cứu đóng vai trò quan trọng, cần là những đơn vị đi đầu trong nắm bắt yêu cầu mới của xã hội và xu hướng đổi mới trong giáo dục mầm non. Đồng thời, khởi động và vận hành quá trình đào tạo theo yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển trên thế giới.
“Những vấn đề được thảo luận trong hội thảo góp phần làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra đối với giáo dục mầm non Việt Nam và tìm kiếm giải pháp kiến tạo nền giáo dục mầm non chất lượng, sáng tạo vì sự phát triển lành mạnh và hạnh phúc của trẻ em” ông Đức nhấn mạnh.
Theo Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị Lâm, Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, sự kiện về chủ đề giáo dục mầm non song đây là sự kiện đầu tiên mà nội dung không chỉ là các báo cáo học thuật của các chuyên gia trong và ngoài nước mà còn có các phiên đối thoại cộng đồng để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục mầm non các cấp có sự kết nối, cùng nhau trao đổi, chia sẻ chuyên môn, tìm kiếm giải pháp để bảo đảm cho mọi trẻ em đều được thụ hưởng nền giáo dục mầm non có chất lượng.
Phó Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Cù Thị Thuỷ cho biết: Đối với giáo dục mầm non, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, các tổ chức xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Tiếng nói của cộng đồng này vô cùng quan trọng để giúp cho các cơ sở đào tạo nắm bắt những đòi hỏi thực tiễn, làm căn cứ cho việc đổi mới đào tạo. Đồng thời giúp các nhà quản lý, những người làm chính sách đưa ra những quyết định phù hợp trong bối cảnh mới.
QUỲNH NGUYỄN
Nguồn: https://nhandan.vn/bao-dam-moi-tre-em-duoc-thu-huong-nen-giao-duc-mam-non-chat-luong-post744937.html