Vụ bắt cóc trẻ em xảy ra tại Hà Nội mới đây đã khiến nhiều phụ huynh không khỏi hoang mang, lo sợ. Dù cơ quan chức năng đã ngay lập tức vào cuộc, kẻ bắt cóc đã kịp thời bị bắt giữ nhưng với những thủ đoạn tinh vi, manh động, liều lĩnh, diễn biến phức tạp, khó lường đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng cũng như đặt ra những yêu cầu với cơ quan chức năng, các bậc cha mẹ, nhà trường, xã hội về những giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm minh loại tội phạm này.

Cán bộ Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên truyền về phòng chống xâm hại, bắt cóc trẻ em trên địa bàn thị xã Phú Mỹ.
Cán bộ Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên truyền về phòng chống xâm hại, bắt cóc trẻ em trên địa bàn thị xã Phú Mỹ.

Sự việc bé trai 7 tuổi ở khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) bị bắt cóc ngày 14/8 vừa qua đã gây ra những chấn động dư luận. Bởi lẽ cháu bé bị bắt cóc khi đang vui chơi trong khuôn viên của khu đô thị nơi gia đình sinh sống, nên có thể coi là không gian tương đối an toàn với trẻ nhỏ. Thậm chí đây còn là khu vực có nhiều camera an ninh và chốt bảo vệ trực 24/24 giờ.

Đối tượng bắt cóc đã nghiên cứu kỹ địa bàn, dùng xe biển số giả, liên tục thay số điện thoại khi gọi tống tiền bố mẹ, và mục đích của việc bắt cóc là đòi số tiền chuộc lên tới 15 tỷ đồng. Rất may sự việc đã được các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời và quyết liệt nên chỉ trong 10 giờ truy đuổi, lực lượng cảnh sát thuộc Công an thành phố Hà Nội đã bắt được nghi phạm gây án, giải cứu thành công cháu bé về với gia đình an toàn.

Đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em không chỉ nhắm đến các khu dân cư, địa điểm vui chơi công cộng, trường học mà còn xâm nhập cả bệnh viện. Theo thông tin từ đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế), thời gian qua, tại một số cơ sở y tế tỉnh, thành phố trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ kẻ xấu trà trộn vào bệnh viện, cải trang thành bác sĩ, nhân viên y tế, người nhà sản phụ để tìm sơ hở hòng bắt cóc trẻ sơ sinh với mục đích để bán, làm con nuôi. Tuy chưa có con số thông kê chính thức song trên thực tế đã ghi nhận hàng chục vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ngay trong phòng hộ sinh.

Đáng lo ngại là số vụ bắt cóc trẻ em có chiều hướng gia tăng, hình thức ngày càng đa dạng, xảo quyệt, khó lường. Điểm chung dễ thấy là các đối tượng thường tập trung vào các em nhỏ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình, dễ bị dụ dỗ, tin nghe theo người lạ.

Với những vụ việc được người dân phát hiện, cơ quan chức năng vào cuộc, ngăn chặn kịp thời thì hậu quả không quá nghiêm trọng, như vụ bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh ở công viên Nguyễn Văn Cừ, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh năm 2020. Song cũng có những vụ việc mà đối tượng bắt cóc không từ mọi thủ đoạn nào, sẵn sàng hạ sát nạn nhân để phi tang như vụ việc xảy ra ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận năm 2016. Hậu quả từ các vụ việc này để lại cho xã hội và gia đình nạn nhân là hết sức nặng nề.

Trẻ em đang đứng trước nguy cơ lớn về việc bị xâm hại hoặc đe dọa về tính mạng và an toàn về sức khỏe. Dù hầu hết trẻ em đều được cha mẹ, người thân quan tâm, chăm sóc, song dù muốn thì các bậc phụ huynh cũng không thể ở cạnh con mình 24/24 giờ mỗi ngày để bảo vệ con. Chưa kể có những trường hợp trẻ em bị bắt ngay trước mắt cha mẹ, hoặc chỉ một phút lơ đãng mà có thể lạc mất con để rồi tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.

Chính vì vậy, để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bắt cóc, vai trò quan trọng nhất thuộc về các bậc phụ huynh với cách quản lý con một cách khoa học. Cụ thể khi các con còn nhỏ cần sự bao bọc, giám sát chặt chẽ của cha mẹ như việc trực tiếp đưa đón con đi học, trông nom con ở nơi công cộng... Khi các con bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ cần chú trọng dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân, học cách tự lập, biết cách ứng phó khi gặp tình huống xấu.

Trẻ em cần được hướng dẫn để học thuộc số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ gia đình ngay từ bé để có thể tìm sự hỗ trợ của cộng đồng trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt vấn đề bảo mật thông tin trên mạng xã hội về trẻ em là nội dung quan trọng mà các bậc phụ huynh cần hết sức lưu tâm. Thực tế nhiều phụ huynh do chưa ý thức đầy đủ mối nguy hiểm từ mạng xã hội nên vô tư đăng ảnh, ngày tháng năm sinh, trường học của con, địa chỉ gia đình cho đến sở thích, thói quen của trẻ, lên các trang facebook, zalo,… Đây là nguồn thông tin “béo bở” mà kẻ xấu có thể lợi dụng cho những mục đích đen tối, trong đó không loại trừ việc bắt cóc, tống tiền.

Bên cạnh đó, giúp phòng ngừa, ngăn chặn nạn bắt cóc trẻ em, nhà trường đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bởi môi trường học đường có thể được ví như “ngôi nhà thứ hai” của trẻ. Phần lớn thời gian trong ngày của trẻ là sinh hoạt, học tập tại các cơ sở giáo dục. Do đó các thầy cô cũng như nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh trong việc quản lý, bảo đảm an toàn về tính mạng và sức khỏe cho học sinh.

Nhà trường không chỉ là nơi truyền dạy kiến thức mà còn cần quan tâm đào tạo kỹ năng sống cho trẻ. Tùy vào mỗi lứa tuổi, giới tính, thầy cô cần có những sự tư vấn, hướng dẫn cho học sinh cách thức để bảo vệ bản thân trong tình huống bị kẻ xấu lạm dụng hoặc lừa đảo, bắt cóc. Giáo viên cũng cần kịp thời thông báo cho phụ huynh những trường hợp học sinh vắng mặt bất thường, phát hiện kịp thời những biểu hiện nghi vấn đe dọa sự an toàn của trẻ ở khu vực trường học để thông báo cho cơ quan chức năng cũng như phụ huynh học sinh cùng hợp tác phòng ngừa, ngăn chặn.

Đồng thời, sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em là vô cùng cần thiết và trên thực tế đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ có sự tham gia nhiệt tình của người dân nên chỉ trong một thời gian ngắn đối tượng tình nghi đã bị phát hiện. Trong một số trường hợp, chính nhờ sự đề cao cảnh giác của cộng đồng, những vụ việc có dấu hiệu bắt cóc trẻ em đã được phát hiện, thông báo tới cơ quan chức năng và ngăn chặn kịp thời.

Ở Việt Nam, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những vấn đề cần ưu tiên hàng đầu. Hiến pháp năm 2013 tại khoản 1, Điều 37, xác định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Nội dung này được cụ thể hóa tại Luật Trẻ em năm 2016: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt” (Điều 28); “Bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành”, (khoản 2,3, Điều 47).

Trẻ em là tương lai của đất nước. Những hành vi xâm hại quyền trẻ em cần xử lý nghiêm minh, có tính răn đe. Đó là cơ sở quan trọng để thiết lập môi trường an toàn giúp trẻ được bảo vệ và phát triển lành mạnh.

Thành Nam

Nguồn: https://nhandan.vn/bao-dam-an-toan-cho-tre-em-post769111.html