BÀN VỀ TÍNH ĐỘC LẬP CỦA TÒA ÁN TRONG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN LIÊN QUAN ĐẾN TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
Ths Nguyễn Thị Phương Nhung[1]
1. Đặt vấn đề
Tính độc lập của cơ quan tiến hành tố tụng trong Tố tụng hành chính nói chung và của Tòa hành chính nói riêng là một minh chứng của một nền dân chủ thực chất. Một quốc gia khó có thể ổn định và phát triển thịnh vượng nếu không có một hệ thống cơ quan tài phán độc lập với hai nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp. Bàn về nguyên tắc tư pháp độc lập, nghĩa là nhắc tới một số nguyên tắc như “Quyết định của tòa án không bị sự can thiệp của các chủ thể khác trong xã hội” và “phạm vi xét xử của tòa án không chỉ bao gồm các hành vi vi phạm pháp luật của thường dân, mà còn cả các hành vi của các quan chức nhà nước, thậm chí cả cơ quan nhà nước”. Tính độc lập của Tòa hành chính có nghĩa là Tòa án, khi tham gia tố tụng phải độc lập và không bị chi phối bởi bất cứ một loại quyền lực nào, kể cả nhà lãnh đạo nắm quyền lực tối cao.
Theo Luật Tố tụng hành chính hiện hành 2015, nhằm đảm bảo tính độc lập của Tòa hành chính cũng như vị thế bình đẳng của người khởi kiện và người bị kiện trước pháp luật, luật Tố tụng Hành chính có quy định sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính với nội dung: Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân phải tuân thủ theo nguyên tắc “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội trong Tố tụng Hành chính” (K1, Điều 17, Luật Tố tụng Hành chính 2015) cũng như “Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính trước Tòa án” (K2, Điều 17, Luật Tố tụng hành chính 2015).
Tuy nhiên, ở trong xã hội Việt Nam, vẫn còn tồn tại sự tha hóa của quyền lực chính trị. Theo tác giả Bùi Xuân Phái, quyền lực có thể bị tha hóa và có những hậu quả dưới dạng sau: lộng quyền, lạm quyền, sự tùy tiện, sự vô trách nhiệm, trục lợi từ quyền lực… và sự biến tướng về quyền lực tác động đến sự độc lập của tòa án trên thực tế vẫn còn tồn tại, và điều này tạo ra ở đâu đó trong xã hội những “vùng chũng của nhân quyền, ở đó, quyền dễ bị xâm phạm, bị tổn thương và hậu quả để lại cũng nghiêm trọng, đó là người dân mất niềm tin vào công lý. Mặt khác, hiện nay tình trạng tham nhũng theo tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt”[2]. Sự tha hóa về quyền lực là một trong những tác nhân gây ra tình trạng tham nhũng ở Việt Nam và suy cho cùng, ảnh hưởng rất lớn đến nguyên tắc độc lập trong xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng: Tòa án.
2. Một số vấn đề còn tồn tại khi bàn về tính độc lập của cơ quan tiến hành tố tụng trong Tố tụng Hành chính
Thứ nhất, ở một số trường hợp, quyền lực chính trị vẫn còn tồn tại là một trong những tác nhân tác động đến tính độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án trong Tố tụng hành chính
Nếu như trong mối quan hệ Tố tụng Dân sự, nguyên đơn và bị đơn trong vụ án là các cá nhân, tổ chức có tư cách pháp lý ngang nhau, thì trong mối quan hệ Tố tụng Hành chính, người khởi kiện và người bị kiện là mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực nhà nước. Trong khi, người bị kiện là chủ thể thực thi quyền lực Nhà nước thực hiện những hoạt động quản lý hành chính Nhà nước, là chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ban hành quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị kiện (trong nhiều trường hợp chủ thể này là những người có chức vụ, có trình độ và hiểu biết pháp luật), trái lại, người khởi kiện là đối tượng quản lý hành chính nhà nước và không nắm giữ quyền lực nhà nước. Cụ thể, trong một số trường hợp đặc biệt, khi Tòa án tiến hành xét xử các vụ án hành chính có đối tượng khởi kiện là người có địa vị trong xã hội đưa ra các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến đất đai, và là người có ảnh hưởng, uy tín tại địa phương, đã tác động không ít đến tâm lý của Thẩm phán và phát sinh tâm lý e ngại đối với Thẩm phán được phân công tiến hành tố tụng nói chung và tiến hành đối thoại nói riêng. Hệ quả là, trong nhiều trường hợp tính độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án trong nhiều trường hợp không còn có ý nghĩa thực tế nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét xử vì lúc này tính khách quan, đúng pháp luật sẽ không còn nữa. Để lý giải vấn đề này, một số Thẩm phán cho biết: Bất kỳ Thẩm phán nào cũng phải trải qua nhiều lần phải “tái bổ nhiệm thẩm phán”, mà “người quyết định” Thẩm phán đó có được tái bổ nhiệm hay không lại phụ thuộc vào UBND các cấp hay xin đất xây trụ sở, hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị làm việc… vv….
Mặt khác, mặc dù quy định của pháp luật nhấn mạnh trách nhiệm của Cơ quan quản lý hành chính phải có nghĩa vụ cung cấp các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ cho người khởi kiện theo theo quy định của pháp luật, Tòa án sẽ tiến hành thu thập chứng cứ trong trường hợp người khởi kiện không thể thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, trên thực tế, Thẩm phán sẽ tiến hành thu thập chứng cứ trong trường hợp người khởi kiện không thể thu thập được, tuy nhiên, nếu Thẩm phán bị chi phối về địa vị, nguồn tài chính từ phía người bị kiện, trong trường hợp này, việc thu thập chứng cứ, tài liệu của Thẩm phán có thể sẽ bị trì hoãn hoặc làm thiếu sự trách nhiệm.
Thứ hai, hạn chế tính độc lập của Tòa án ở chỗ, không có thẩm quyền đưa ra các chế tài trong trường hợp không có sự phối hợp từ phía người bị kiện mà chủ thể là người giữ chức vụ, đặc biệt là những vụ án mà người dân kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến đất đai của Ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban Nhân dân các cấp
Việc Tòa hành chính không đưa ra giải quyết, xét xử được hoặc xét xử án hành chính chậm chễ có nguyên nhân chủ yếu rất lớn từ phía Ủy ban Nhân dân, chủ tịch UBND các cấp (thường là cấp xã, phường) bởi vì chủ thể này sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của tòa án, nhưng không kịp thời giao nộp văn bản ý kiến, tài liệu, chứng cứ; hoặc có giao nộp nhưng không đầy đủ, trong đó cá biệt còn có Chủ tịch UBND không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của tòa án. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, thời gian giao nộp văn bản ý kiến, tài liệu chứng cứ là 10 ngày kể từ ngày nhận thông báo thụ lý án (Khoản 1 Điều 128, Luật Tố tụng Hành chính 2015) và người đại diện theo pháp luật là người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng. Người được ủy quyền phải tham gia toàn bộ quá trình giải quyết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người bị kiện (Khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng Hành chính 2015). Tuy nhiên, đa số người được ủy quyền đều lấy lý do bận công tác không tham gia đối thoại (lý do chính đáng) (K3 Điều 135 Luật Tố tụng Hành chính 2015). Mặt khác, trong nhiều trường hợp người bị khởi kiện không tham gia phiên tòa vì có lý do chính đáng, dẫn đến tòa án phải hoãn đi, hoãn lại mất nhiều thời gian, gây ra tâm lý mệt mỏi, mất niềm tin tới người khởi kiện (người dân). Mặt khác, người dân phải qua nhiều thủ tục tố tụng, nhiều cấp, tạo ra sự tốn kém tài chính, có những gia đình kiệt quệ khi phải theo đuổi vụ kiện nhiều năm, có trường hợp mất cơ hội nghề nghiệp, có những trường hợp phản kháng dẫn tới trường hợp vi phạm pháp luật hình sự hiện hành, đặc biệt là những vụ án liên quan đến đất ruộng chuyển đổi sang đất ở của người dân ở nông thôn, một số trường hợp, người dân đi biểu tình đòi quyền lợi bị quy vào tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318, Bộ luật Hình sự 2015).
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, pháp luật cần phải xây dựng các chế độ chính sách, chế độ tiền lương hợp lý cho Thẩm phán và các cán bộ tư pháp.
Hiện nay, quy định về chế độ chính sách cũng như chế độ tiền lương cho Thẩm phán là chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay. Chế độ bổ nhiệm lại phụ thuộc vào cấp ủy, chính quyền và phải đáp ứng yêu cầu không quá 1,16% tỷ lệ án bị hủy, bị sửa. Các quy định như vậy, tạo ra áp lực rất lớn cho Thẩm phán xét xử các vụ án hành chính khi xét xử vụ án giữa “dân” và “quan”.
Thứ hai, để đảm bảo quyền con người trong giai đoạn xét xử vụ án hành chính, cần phải đảm bảo nguyên tắc xét xử độc lập và tuân theo pháp luật trên thực tế
Mặc dù hiện nay, trong bất cứ hệ thống pháp luật tố tụng nào cũng thừa nhận nguyên tắc “Thẩm phán nhân dân và Hội thẩm nhân dân độc lập, chỉ tuân thủ theo pháp luật” nhưng thực tế thực hiện nguyên tắc này còn rất nhiều hạn chế trong giai đoạn xét xử án hành chính mà đặc biệt người bị kiện là người có chức vụ, có tầm ảnh hưởng ở địa phương. Vì vậy, giải pháp đặt ra ở đây đó là, phải tạo ra một cơ chế thực sự độc lập về tài chính, về chế độ bổ nhiệm thẩm phán độc lập và không bị phụ thuộc vào bất cứ một cơ quan quyền lực nào. Và, nên chăng xây dựng một cơ chế thẩm phán không có nhiệm kỳ, và coi đây là một chức danh nghề nghiệp, chứ không phải là chức vụ quản lý để không một chủ thể nào, một tổ chức nào có thể tác động đến vai trò, nhiệm vụ của thẩm phán…
Thứ ba, cần phải xây dựng văn hóa tôn trọng quyền của con người và văn hóa ý thức tự giác tuân thủ pháp luật
Văn hóa pháp luật là tổng thể các hoạt động hàm chứa các giá trị pháp luật được hình thành trên cơ sở tri thức pháp luật, lòng tin, tình cảm đối với pháp luật. Việc xây dựng văn hóa ý thức tự giác tuân thủ pháp luật trở thành hành vi pháp luật trong mối quan hệ ứng xử khi tham gia Tố tụng hành chính là một điều cần thiết khi bàn về tính độc lập của Tòa án trong xét xử án hahf chính.
Thứ tư, trong quá trình xét xử các Vụ án Hành chính, các thẩm phán cần phải đảm bảo các vụ án được giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật và đúng thời hạn luật định, hạn chế các án tồn động, kéo dài tạo ra tâm lý mệt mỏi cho người dân trên thực tế.
Đây là một thực tế còn tồn tại khá phổ biến trên thực tế và hệ quả này tạo ra những phản ứng tiêu cực của người dân khi tham gia các vụ án hành chính: mất niềm tin, không kiên trì, tốn chi phí, tốn thời gian, ngại các thủ tục gây cản trở…Do vậy, việc xét xử đúng hạn và đúng quy định của pháp luật trên thực tế là cơ sở xây dựng niềm tin công dân khi tham gia khiếu kiện các vụ án hành chính. Và, thực hiện được nhiệm vụ này sẽ tạo ra cơ chế xét xử thông suốt, hiệu quả và bảo đảm quyền con người của người khởi kiện trên thực tế.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội (2015), Luật Tố tụng Hành chính, Nxb Lý luận chính trị.
2. Đoàn Thị Ngọc Hải (2018), Những vướng mắc, bất cập của Luật Tố tụng Hành chính và hướng đề xuất hoàn thiện, Tạp chí Tòa án Nhân dân.
3. Tòa án Tối cao (2018), Tài liệu Luật Tố tụng Hành chính.
4. Chu Thanh Vân (2021), “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt”, https://www.vietnamplus.vn/cuoc-dau-tranh-chong-tham-nhung-con-lau-dai-gian-kho-quyet-liet/692904.vnp