Mặc dù tai nạn lao động năm vừa qua giảm ở tất cả các lĩnh vực nhưng cả nước vẫn xảy ra hơn 6.500 vụ tai nạn lao động khiến gần 800 người chết và thiệt hại tài sản gần 4.000 tỉ đồng...
Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Phần lớn các vụ tai nạn lao động xảy ra do sự bất cẩn của người lao động hoặc người lao động không được trang bị đầy đủ bảo hộ và chưa tuân thủ điều kiện làm việc an toàn.
Do chủ quan, không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, hơn 10 năm trước, anh Nguyễn Kim Giang, Công ty CP Hoa Lan, huyện Văn Giang, Hưng Yên đã bị máy cuốn dập nát cánh tay trong khi đang vận hành máy sản xuất bao bì: “Do tôi sơ suất, mặc quần áo bảo hộ rồi nhưng không cài khuy nên bị máy cuốn vào. Công ty cũng giúp đỡ và tạo điều kiện chuyển đổi công việc khác và duy trì đến bây giờ. Tuy nhiên, sức khỏe giảm sút, kinh tế khó khăn, mình muốn phấn đấu để có thu nhập tốt hơn cũng không được”.
Cũng do chủ quan thiếu ý thức bảo hộ lao động, anh Nguyễn Đức Tài, làm việc tại công ty cổ phần SBI, ở Quế Võ, Bắc Ninh, chuyên vận chuyển hàng hóa, trong lúc đang làm việc bị xe lao vào chân và dập nát cả 2 bàn chân, phải lắp chân giả, thời gian điều trị hơn nửa năm. Dù được công ty tạo điều kiện chuyển đổi nghề làm bảo vệ công ty nhưng sức khỏe anh yếu đi và thu nhập giảm sút, hiện tại, lao động chính trong gia đình đặt lên trên đôi vai của người vợ: “Đôi chân này là chân giả, cũng được bệnh viện cố cứu nhưng không được. Cuộc sống của tôi cũng đã bị xáo trộn quá nhiều vì tôi là lao động chính trong gia đình. Vợ cùng làm công nhân thôi, con thì đang ăn học. Hiện tôi cũng được công ty và gia đình hỗ trợ để con tôi được ăn học. Bây giờ cũng chỉ biết trông vào vợ".
Đã có rất nhiều câu nói “giá như” được thốt ra trong muộn màng với nhiều hối tiếc. “Giá như tôi cẩn thận hơn”, “giá như tôi trang bị đầy đủ bảo hộ và tuân thủ điều kiện làm việc an toàn…”. Khi tai nạn xảy ra thì chính bản thân người lao động và gia đình là thiệt thòi nhất. Công ty có hỗ trợ nhưng chỉ phần nào, còn lại về lâu dài cuộc sống của người lao động và gia đình bị ảnh hưởng nặng nề.
Việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động giúp các doanh nghiệp tăng năng suất lao động, phát triển bền vững. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào trang bị đầy đủ cho người lao động, một số doanh nghiệp chưa chú trọng tham gia huấn luyện an toàn lao động hoặc tham gia không đầy đủ, thậm chí không bố trí cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, nhận thức của người lao động về các quy định của pháp luật còn hạn chế. Nhiều lao động không biết hoặc không nắm đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, nên không thể đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Khi người lao động không được trang bị đầy đủ bảo hộ, kèm thêm ý thức lơ là, mất cảnh giác, tai nạn lao động sẽ xảy ra, nhất là đối với với những công việc nặng nhọc, nguy hiểm như ngành xây dựng, mỏ, hầm lò…gây nên nỗi đau về thể xác, tinh thần cho người lao động và để lại những “vết thương” khó lành cho gia đình, xã hội. Là Công ty áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn, đến nay chưa xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng trong thời gian qua, bà Đào Thị Thu Thúy, Trưởng phòng An toàn cho biết, loại hình sản xuất chủ yếu của Canon là lắp ráp thiết bị điện tử. Tuy vậy, trong quá trình làm việc vẫn có thể xảy ra những rủi ro, mất an toàn lao động như dập kẹp, xước tay chân, va đập… nếu công nhân thiếu cảnh giác. Do đó, công tác bảo đảm an toàn lao động cần đã trở thành ý thức, thói quen của từng người lao động, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn lao động để tăng tính răn đe: “Đối với mỗi công việc đặc thù thì phải có những trang thiết bị đặc thù. Ví dụ như đối với khu vực sử dụng hóa chất, yêu cầu phải có kính, mặt nạ phòng độc, bảo hộ. Công ty chúng tôi cũng tập trung vào đánh giá máy móc bởi Ban lãnh đạo công ty cũng như các trưởng phòng, các kỹ thuật viên sẽ đi kiểm tra trực tiếp việc vận hành máy móc của công nhân viên đang làm việc. Đó là đặc thù và đó là sự thi đua làm thế nào để đưa ra tiêu chuẩn tốt nhất cho cán bộ công nhân viên đảm bảo không để tai nạn xảy ra”.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn Lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, để cải thiện môi trường làm việc, góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động khi tham gia sản xuất, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, các tổ chức công đoàn, các địa phương… cần tích cực trong việc tổ chức thanh, kiểm tra, yêu cầu chủ sử dụng lao động thường xuyên kiểm tra máy móc, thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho công nhân; chú trọng tập huấn, huấn luyện an toàn ở những ngành nghề, lĩnh vực sản xuất độc hại, nguy hiểm… Từ đó, xây dựng môi trường làm việc an toàn, để người lao động phát huy năng lực, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.
"Đây là tháng an toàn, là tháng cao điểm nhưng công việc triển khai thường xuyên liên tục trong năm. Năm nay, ngoài việc triển khai công tác an toàn bình thường, do hậu Covid-19 cho nên cần phải thích ứng linh hoạt và phải có biện pháp phòng chống. Bởi vì hậu covid, rất nhiều người có những biểu hiện như: mất ngủ, như giảm sút sức khỏe, mất tập trung làm cho người lao động trong quá trình làm việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Cho nên ngoài việc tổ chức sản xuất hợp lý và chăm sóc khám sức khỏe cho người lao động để có giải pháp và phù hợp, cần tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra”, ông Hà Tất Thắng cho biết.
Với thông điệp: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, hy vọng rằng, khi ý thức của người lao động, người sử dụng lao động về an toàn vệ sinh lao động trở thành thói quen, thì các vụ tai nạn lao động mới được giảm thiểu tối đa./.
Kim Thanh/VOV1
Nguồn:https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/an-toan-lao-dong-phai-tu-tu-duy-cua-chu-su-dung-lao-dong-post944470.vov